0247.3030.686 | 091.487.3333
ceo@ivyleaguevietnam.edu.vn

10 Th3 2018

Phương pháp nào cho con trẻ hình thành tư duy khoa học

/
Posted By
/
Comments0
/

BÀI THỨ NHẤT: TỪ STEM ĐẾN STEAM RỒI STREAM

Đã lâu lắm rồi Tôi không viết bài nào. Mấy tháng qua Tôi bận rộn thai nghén, chửa đẻ ra một ngôi trường ngõ hầu biến những ý tưởng, lý tưởng, mơ ước trồng người của Tôi thành hiện thực. Ngôi trường ấy đã ra đời và đang chuẩn bị những khâu đoạn cuối cùng về việc xây dựng một chương trình chuẩn Mỹ, cuối cùng cũng là để cho bọn trẻ của chúng ta học hành, thành tài. Tôi thấy có lỗi với chính Tôi là vì Tôi có biết bao điều chia sẻ mà không viết ra. Tôi thấy có lỗi với bọn trẻ là vì các con là những điều quý giá nhất trên đời này mà mõi người làm cha làm mẹ chúng ta ai cũng mong sau này con học thành người. Dạy con học từ thuở nào và học như thế nào thì hàng trăm năm nay bàn mãi chưa hết chuyện. Bàn chuyện mới rồi lại lôi lại chuyên cũ. Tóm lại chỉ có một câu thế nào: Làm thế nào để CHỮ VÀ SỐ chui vào đầu trẻ, rồi làm thế nào để chữ và số ấy quyện lại với nhau thành một lối tư duy, vừa tuyến tính vừa đa chiều, để rồi những con người mà hôm nay là trẻ lại tiếp tục tạo ra kiến thức mới cho nhân loại. Đó là điều mà Tôi luôn suy nghĩ và trăn trở.

Lâu nay chúng ta vẫn thường nói đến phương pháp học STEM. Vậy STEM là gì? STEM là viết tắt của Science, Technology, Engineering và Mathematics. Phải nói rằng sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ cũng chính là xuất phát từ sự thay đổi về giáo dục. Hàng ngan năm qua cho đến khi cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên với máy hơi nước của Jame Watt, thì con người vẫn chỉ học văn chương, nhất là nền văn minh phương đông thì văn chương vẫn là số một. Người tài ngày xưa vẫn là người giỏi văn, võ chứ chưa mấy ai coi trọng người giỏi về toán hay khoa học, vì vai trò của toán và khoa học còn quá mờ nhạt. Nhưng chính sự đòi hỏi của nhân loại, đòi hỏi nâng cao chất lượng và năng xuất của sản xuất, thay thế sức người, vật bằng máy móc đã là ngòi nổ cho cuộc cách mạng công nghiệp. Những ngành công nghiệp hóa đầu tiên có lẽ phải kể đến là Dệt may (textile), ngành viễn dương (seafaring), ngành luyện kim (iron making) và sản xuất nông nghiệp (agricultural production).

Tôi không muốn nói nhiều về lịch sử nữa, và có nói có lẽ cũng chỉ để chúng ta ngâm nga, ngâm nghĩ về vài thế kỷ chuyển mình của nhân loại. Điều tôi muốn nói đến bây giờ là trong thời đại hậu hiện đại này, thì ngay từ ngày nay chúng ta sẽ dạy cho con cái chúng ta cái gì đây. Thế giới đã ngập tràn công nghệ. Chỉ học cách sử dụng được công nghệ thôi cũng đã tốn nửa cuộc đời rồi, nói chi đến việc học hành để làm ra công nghệ. Nhiệm vụ làm ra công nghệ đã có bọn Ấn, Trung, Hàn, Nhật.. nó lo rồi người Việt mình học để làm gì cho mệt? có ai nghĩ thế không đấy, nếu có thì hãy thay đổi ngay đi nhé. Nhiều phụ huynh có nói chuyện với Tôi và hỏi bây giờ nên cho con theo học ngành gì đây hả Thầy? Tôi nói học khoa học đi nhé. Các bố mẹ hãy đầu tư vào Toán, 1 môn khoa học và Language Arts. Tôi vẫn luôn muốn dùng từ language arts vì đối với Tôi học ngôn ngữ chính là học một thứ nghệ thuật thứ nhất vì ngôn ngữ thường trực trong mọi góc cạnh của cuộc sống. Anh có thể chưa chời được nhạc cụ, chưa sáng tác được âm nhạc, chưa vẽ được bức tranh, nhưng nếu không có Ngôn ngữ (hay nói đúng hơn là Anh Ngữ) thì coi như xong, học hành vứt xuống sông xuống bể.

Có người lại hỏi Tôi rằng: Thầy ơi học khoa học để làm gì khi mà học rồi ra trường mà ở Việt Nam thì chả xin được việc. Tôi đau đớn trước câu hỏi này vì sự thật đúng quá. Học công nghệ sinh học hóa học ở Mỹ ra thì đắt giá vô cùng, đi làm lương vài trăm ngàn năm nhưng nếu về Việt Nam làm việc thì thật là khốn đốn. Làm ở đâu và làm cho ai? vào mấy cái phòng thí nghiệm của các Viện khoa học của nước ta mà nghiên cứu à? lương 3 cọc 3 đồng, kể cả đến lúc con em mình tốt nghiệp ra trường là 5-10 năm nữa, tính cả trượt giá vẫn chả đủ ăn đâu. Vậy học để làm gì? Câu chuyện này Tôi sẽ bàn ở một bài viết khác, còn trong bài này thì Tôi muốn nói đến chọn cách học nào cho con.

Lại nói đến việc chọn ngành STEM. Từ lâu nay chúng ta thường để con cái học cái chúng muốn học chứ ít người nghĩ rằng một đứa trẻ nếu được nhào nặn từ tấm bé sẽ lớn lên thành người mà chúng ta mong muốn? câu này là khó vì mưu sự tại nhân còn thành sự là tại thiên. Chúng ta có muốn con mình thành bác sỹ nhưng lớn lên nó không làm bác sỹ mà lại đi làm nhạc công đấy. Và với tư duy ấy nên chúng ta cứ mặc kệ, cho con học cái con thích, và không ép con, không định hình cho con. Tôi nghĩ là có thể chúng ta đã hơi buông xuôi, phó mặc cho số phận, cho thiên bẩm của mỗi đứa trẻ. Tôi cũng mạnh dạn chia sẻ rằng một đứa trẻ sinh ra và lớn lên trong 18 năm đầu đời sự can thiệp của cha mẹ là vô cùng quan trọng. Có nhiều phụ huynh nói rằng con nhà em không muốn học toán thì bây giờ biết làm thế nào. Tôi nói thật là trẻ như tờ giấy trắng nếu chúng ta viết Toán vào thì sẽ thành toán đấy. Ngay từ bé nếu chúng ta rèn toán, ngôn ngữ, và khoa học cho trẻ thì kiểu gì cũng thấm mà thôi. Sự định hình của trẻ sau này phụ thuộc đến 99% vào sự quyết tâm của cha mẹ ngay nay. Tôi có cậu học sinh cũng vào loại lười lắm. Bố cậu ấy tâm sự với Tôi rằng “nếu ngày xưa mà tôi-Bố cậu bé- mà không quyết cho M theo toán, và ép học toán thì có lẽ ngày nay đã không được như thế này Thầy ạ.” Tôi cũng đồng ý với quan điểm này. Chúng ta hoàn toàn có thể rèn được và gò được khối thép non thành hình hai mà chúng ta mong muốn, ít nhất là thành một đứa trẻ có tư duy toán và khoa học.

Tôi ủng hộ các phương pháp giáo dục hiện nay đang phổ biến thình hành ở Mỹ và các nước phát triển, và bắt đầu manh nha xuất hiện tại Việt Nam. Sự ra đời của STEM đã tạo nên một thế hệ các thiên tài khoa học, các nhà công nghệ, các nhà kỹ trị. STEM nhấn mạnh đến tầm quan trọng ưu việt của Toán, Khoa Học, Kỹ Thuật, Công nghệ. Nhưng đến gần đây, người ta đã nhận ra rằng nền giáo dục đang sản sinh ra một thế hệ các người máy, nghĩa là những con người làm ra cái máy, và chính những con người ấy đang hành xử như một cái máy. Con người sống vô cảm, chỉ cần tạo ra máy mà không biết rằng chính mình cũng đang là một cái máy. Sự tồn tại của con người trên cõi đời này ngoài máy móc và công nghệ ra thì còn là cuộc sống, thưởng thức cuộc sống, và trân trọng giá trị sống nữa chứ. Chúng ta làm ra máy chứ không phải để máy làm ra chúng ta. Nhân loại cần có máy nhưng nhân loại cuối cùng vẫn là nhân loại!

Thế là nhân loại phải cải cách giáo dục. Từ nay không chỉ dạy con người làm ra máy nữa, mà phải dạy con người làm con người nữa. Phương pháp STEAM đã ra đời. Cái khác biệt của STEAM là ở chỗ anh là dân học toán, khoa học nhưng anh vẫn phải học ART, đó là nghệ thuật. Anh phải hiểu về hội họa và âm nhạc, anh sống phải có hồn. Anh không chỉ tạo ra cái máy mà anh phải tạo ra cái máy có hồn, muốn thế thì anh phải có hồn. Nếu chỉ cần tạo ra máy thì đã không có cái Samsung Note8 màn hình vô cực, cong điệu đẹp mắt như hôm nay, mà chỉ cần cục gạch của thập niên 90-2000 mà thôi, miễn sao gọi được nhau nói câu tình cảm, chứ cần gì máy đẹp, máy điệu làm gì cho mệt. Chính là kết quả của sự cách tân, của sự thay đổi về nhận thức trong giáo dục. Nói như cố thi sĩ Tố Hữu thì “Hồn anh là một vườn hoa lá, rất đậm hương và rộn tiếng chim.”

Nhưng bọn trẻ lười đọc quá. Chúng học nghệ thuật đấy, chúng nghe nhạc và chơi nhạc đấy, chúng biết vẽ đấy, nhưng chúng lại không chịu đọc những kiệt tác của nhân loại. Lê Nin đã nói “Sách là tri thức” mà. Thế thì mua một kho sách về là xong. Ai sở hữu càng nhiều sách thì là người lắm tri nhiều thức rồi. Cần gì phải học. Nát rồi! Lê-Nin nói thế là để chúng ta phải đọc sách. Muốn có tri thức thì phải đọc tri thức. Đọc tri thức rồi sẽ tạo ra tri thức. Đứng trên vai những người khổng lồ ngay từ ngày nay băng cách đọc lấy tri thức sâu thẳm mà các nhà văn, nhà thơ, nhà triết học đã tích lũy cả đời để viết thành sách. Thế là các nhà giáo dục nghĩ rằng phải có phương pháp để bọn trẻ phải đọc. Học sinh của tôi đứa nào cũng bảo là Thầy ơi học viết sao mà khó thế. Tôi hỏi em có thích đọc sách không? và đọc rồi có ghi chép ra không? 10 đứa thì 9 đứa bảo là em không ạ. Vậy thì viết sao được. Tôi đem những bài tôi viết, có trích những câu nói hay, đoạn văn mượt mà trong những trích đoạn mà tôi đã đọc. Chúng bảo sao Thầy lại nhớ, Tôi bảo vì Thầy ghi chép. Các nhà giáo dục cũng từ suy nghĩ ấy nên đã cổ vũ cho một phương pháp mới nữa đó là: STREAM. Thế là cái gốc là STEM. Từ STEM rất hay vì vừa là từ viết tắt của Science, Technology, Engineering và Mathematics mà lại vừa là từ tiếng Anh có nghĩa là cái gốc (Stem Cell cũng là tế bào gốc đấy). STEM cứng quá, vì toàn toán và khoa học, nên đã có STEAM, nghĩa là thêm môn Arts vào cho mềm bớt đi. Nhưng thế vẫn chưa đủ vì con người ta muốn giữ được tri thức thì phải đọc tri thức. Thế là phương pháp STREAM ra đời. STREAM nghĩa là Science, Technology, Reading, Engineering, Mathematics. Tôi nghĩ với phương pháp giáo dục STREAM này thì bọn trẻ sẽ trở thành những con người tương đối toàn diện, vừa là nhà khoa học, vừa là người có tâm hồn cao đẹp. Âu đó cũng là cái gốc của nhân loại. Nhân Loại vốn chỉ là Nhân Loại!

Tôi sẽ có bài chia sẻ về phương pháp STREAM trong một bài viết gần đây. Tôi tạm gác bút ở đây với vài lời chia sẻ với quý phụ huynh.

Chúc mừng năm mới!

Giang Nguyễn

Leave a Reply