0247.3030.686 | 091.487.3333
ceo@ivyleaguevietnam.edu.vn

10 Th3 2018

Một quốc gia muốn phát triển phải nuôi nấng các mầm non khoa học

/
Posted By
/
Comments0

Sau khi Tôi đăng bài “NGHỊCH LÝ SỐ 02: VỎ CHUYÊN ANH LÕI KHÔNG CHUYÊN” và post một số tài liệu luyện thi chuyên Anh với trạng thái “KHÔNG NÊN THI CHUYÊN ANH…”, Tôi đã nhận được rất nhiều sự quan tâm và câu hỏi từ nhiều Phụ Huynh, cũng như nhiều nhận xét, và ý kiến đồng ý có, phản đối có. Có người là giáo viên chuyên Anh cho rằng chuyên Anh là tuyệt vời vì học cấp III chưa mang tính định hướng nghề nghiệp. A bạn này rất thật thà và dễ thương. Với tầm nhìn vừa phải nên có lẽ chưa hiểu hết ý nghĩa thông điệp Tôi muốn truyền tải. Tôi rất thông cảm vì ngoài dậy học ra anh bạn này chưa đủ trải nghiệm để định hướng cho bọn trẻ. A bạn ấy chỉ biết nêu các giải thưởng của học sinh chuyên anh hay tỏ ra vui mừng khi ít học sinh thi chuyên Anh thì lớp học của cậu ấy càng đỡ cạnh tranh thi chuyên. Lại có ý kiến của ai đó cho rằng giật tít để cạnh tranh. Tôi cũng thực sự thông cảm vì vẫn còn nhiều người chưa hiểu thấu một con đường mà Tôi muốn khuyên các con em Việt Nam ta theo đuổi để sau này có một vị trí vững chắc trong sự nghiệp nếu các con muốn cạnh tranh trên đất Mỹ… Đúng là CÁI TRÍ CỦA ĐẠI BÀNG THÌ CHIM SE SẺ LÀM SAO HIỂU ĐƯỢC…Tôi thông cảm vì có thể anh bạn này còn nhìn quanh Hà Nội và khu trường nơi mình dạy học nên thấy học chuyên Anh thật tuyệt vời và lũ trẻ thật là thông minh, nhưng nếu bạn nhìn xa thêm chút, và nhìn sang các nước láng giềng chung quanh ta, đặc biệt là Nhật Bản và Hàn Quốc, thì chúng ta mới giật mình tỉnh ngộ khi thấy tại sao mà Nhật Bản và Hàn Quốc lại phát triển đến như vậy. Có phải họ cũng là nước nói tiếng Anh đâu nhỉ? Nếu nói về chỉ số giỏi tiếng Anh theo xếp hạng của EPI thi hiện Việt Nam đang đứng thứ 28/60, trong khi đó Hàn Quốc là 24 và Nhật là 26. Việt Nam chúng ta đã cải thiện quá nhanh kể từ sau khi đổi mới, và đặc biệt là từ 2012 tới nay (31/56 vào năm 2012).

Nào, chúng ta hãy xem Nhật Bản và Hàn Quốc họ nhấn mạnh những môn nào cho lũ trẻ. Các bạn bè Nhật và Hàn Quốc của Tôi đều nói rằng ngôn ngữ quan trọng nhất với họ là tiếng mẹ đẻ của họ. Người Nhật rất lười nói tiếng Anh, hay từ lâu nay chúng ta vẫn quan niệm rằng người Nhật nói tiếng Anh chán lắm, và trường hợp của Hàn Quốc cũng thế. Nếu chúng ta có sang các nước này thì thấy rất rõ. Nhưng trẻ con ở bên đó được dạy là phải học khoa học, phải trở thành nhà khoa học, và đam mê khoa học. Họ biết rằng yêu tố thành công duy nhất của đất nước họ là con người, và con người muốn tinh nhuệ, làm chủ công nghệ, sáng tạo ra công nghệ và bán được công nghệ ra thế giới thì phải học khoa học. Và chỉ có khoa học mới giúp đất nước họ chiếm được ưu thế, giữ được lợi thế và phát huy được nội lực của họ. Họ cũng cho rằng cho dù sau này đứa trẻ ấy có làm bất kỳ lĩnh vực nào khác, nhưng với tư duy khoa học mà đứa trẻ ấy đã được đào tạo thì nó cũng sẽ thành công trong các lĩnh vực khác mà thôi.

Tiếng Anh chỉ là một công cụ, công cụ sắc bén để tiếp cận các môn khoa học, công nghệ. Có thể các em vào học chuyên Anh sau này không học cao lên môn tiếng Anh, nhưng nếu 3 năm cấp 3 các em đam mê một môn khoa học nào đó, và đọc thật nhiều về môn đó, rồi sau này các em đi học tiếp lên thì quả thực sẽ rất may mắn cho các em và may mắn cho cả một dân tộc nếu nhìn trên bình diễn vĩ mô. Còn nếu chúng ta cứ coi tiếng Anh như một môn học quá chính thống, còn chính thống hơn bất kỳ sự chính thống nào, và coi nhẹ các môn như Toán, Lý, Hóa, Sinh, Sử Địa, thì quả thực về lâu dài rất nguy cho một thế hệ, nhiều thế hệ và cả một dân tộc. Nền tảng của trí tuệ nằm ở khoa học, sự phát triển của nhân loại nằm ở khoa học và muốn gìn giữ và phát triển nền tảng ấy, bồi đắp nó qua nhiều năm thì cần phải có một lực lượng hùng hậu các nhà khoa học. Họ từ đâu mà ra, chính là từ những thế hệ con em chúng ta ngay từ ngày hôm nay.

Nhiều người cho rằng con nó học gì là do năng khiếu của nó. Tôi rất đồng ý với các ý kiến này, nhưng vai trò định hướng của cha mẹ là vô cùng quan trọng. Chúng ta hãy hướng con em chúng ta vào các môn học cơ bản như Toán, Lỹ, Hóa, Sinh, hay hướng con đọc lịch sử, địa lý và các môn xã hội khác, trong khi đó vẫn học tiếng Anh một cách đều đặn. Tại sao lại phải coi nhẹ các môn khác chỉ để tập chung vào tiếng Anh thôi thì mới giỏi tiếng Anh được nhỉ? Nếu coi nhẹ các môn khác thì sau này đứa trẻ định làm gì đây? Thế giới ở đâu cũng cần nhà khoa học, đặc biệt là nước Mỹ thì các kỹ sư phần mềm, các nhà toán học, các sinh viên học ngành hóa, sinh học, hay tóm lại là ngành STEM thì xin việc rất tốt, và nếu không ở lại Mỹ thì có thể đến một nước thứ ba nào đó làm việc cũng rất được welcome! Còn nếu em học chuyên Anh mà thi vào ngành toán ứng dựng ở Mỹ thì có được mấy đứa. Tôi có biết một em làm được việc này. Em hiện đang học tiến sỹ toán tại Đại Học Chicago sau khi học chuyên ngữ lớp 10. Nhưng khi sang Singapore học, em đã chọn chuyên vào môn Toán để rồi sau này nhận được rất nhiều học bổng toàn phân từ các trường đại học lớn. Còn lại hầu hết các bạn bè Tôi quen đều là những người học ngành tự nhiên và đang rất thành đạt tại Mỹ.

Sự thật là chuyên cái gì là do trẻ có thế mạnh về cái môn gì. Cái này chúng ta gọi là năng khiếu. Nào, hãy nói về năng khiếu; có năng khiếu do bẩm sinh mà có (chúng ta gọi là gift nghĩa là món quà của tự nhiên); có dạng năng khiếu do đầu tư thời gian và công sức rèn luyện mà ra (chúng ta gọi là learned skills). Viết đến đây Tôi lại nhớ lại cô bạn học cùng trường Cornell người Singapore. Tôi quen cô ấy vì Tôi phải đi học toán (ở đây Tôi dùng từ phải vì Tôi muốn học kinh tế thì Tôi phải lao đi học toán thôi). Cô ấy kể với Tôi là chính phủ Singapore đầu tư cho cô ấy từ bé sau khi test và định dạng loại trí tuệ mà co ấy có. Họ kết luận rằng cố ấy có khả năng về toán và khoa học, cho nên từ nhỏ đã dạy theo hướng này. Việt Nam thì không được như Singapore, nhưng Tôi lại thấy cha mẹ ngày nay vô cùng quan tâm tới con cái và sẵn sàng đầu tư học hành cho con. Nên chăng chúng ta định hướng học hành và hướng lũ trẻ từ nhỏ vào Toán và Khoa Học, trước là để rèn tư duy logic cao độ, sau là để chuyên sâu và du học, tạo lợi thế cạnh tranh trong thị trường lao động khắc nghiệt của 10, 20 năm nữa. Nếu sau này đứa trẻ ấy không muốn trở thành nhà khoa học thì với tư duy khoa học và kỹ năng đã có, em ây sẽ thành công trong các ngành xã hội khác.

Tôi không phản đối học chuyên Anh vì Tôi biết rất nhiều học sinh chuyên Anh khá năng động trong học tập và cuộc sống. Học chuyên Anh mà sang Mỹ học ngành khoa học xã hội rồi học các ngành như Luật hay Kinh Doanh thì vẫn có cơ hội. Nhưng nếu chúng ta nhìn về tương lại của chính con em mình và nhìn tương lai của cả một dân tộc thì nên chăng chúng ta hãy dừng lại để định hướng cho con em mình cho thật hợp lý để có được lợi thế trong 10-20 năm nữa cho chính những đứa trẻ nơi mà các em sẽ làm việc trong tương lại; nơi ấy có thể là Việt Nam hay bất kỳ nơi nào khác. Tôi tin rằng với nền tảng khoa học và các kỹ năng khoa học dựa trên nền tiếng Anh tốt, các em sẽ đứng vững ở bất kỳ nơi nào các em đến. Chỉ có khoa học mới đưa các em đi xa trên con đường tri thức, và chỉ có khoa học mới đưa một quốc gia thịnh vượng.

Đôi lời bộc bạch để cùng đồng hành với các phụ huynh trên hành trình học tập của các con em mình.

Trân trọng,

Giang Nguyễn

Leave a Reply