0247.3030.686 | 091.487.3333
ceo@ivyleaguevietnam.edu.vn

21 Th5 2018

Những sai lầm cần tránh khi giáo dục trẻ

/
Posted By
/
Comments0

Việc giáo dục trẻ em sao cho đúng cách không còn là một chủ đề hiếm gặp để khiến các bậc cha mẹ phải đau đầu khi tìm cách giải quyết nữa. Những bí kíp hay hướng dẫn nuôi dạy con khoa học đầy rẫy trên các diễn đàn mạng xã hội và thậm chí không thiếu sách vở và tài liệu viết chi tiết về lĩnh vực này. Tuy nhiên bên cạnh những lời khuyên “sao cho đúng”, ta cũng rất cần chú ý đến những điều “sao cho không sai” như những sai lầm khi giáo dục trẻ em.
Nhiều người lớn chỉ quan tâm đến cách ăn uống và nuôi lớn trẻ về mặt thể chất mà ít chú trọng đến việc nuôi dưỡng tâm hồn của con cái. Quan điểm “con tôi tôi dạy” nên được cha mẹ gạt bỏ và thay thế bằng cách tiếp thu những đường lối đúng đắn hơn, những kinh nghiệm và những nghiên cứu khoa học cơ sở, phát huy những phương án đúng đắn và tránh những hành động, quan niệm sai lầm khi giáo dục trẻ em.

Vậy, cần phải tránh những điều gì khi dạy dỗ con trẻ?

  1. Đánh mắng khi phạm lỗi

“Thương cho roi cho vọt” là một quan niệm từ thời xưa của các cụ để lại, vẫn biết để giúp trẻ không mắc lại những sai lầm, người lớn cần có những biện pháp răn đe để trẻ biết nghe lời và có quy củ. Những đòn roi là một phương pháp bạo lực mà lại không giải quyết triệt để vấn đề. Đánh đập có thể làm trẻ con đau, khóc và sợ trong thời điểm đó. Nhưng “sợ”, không có nghĩa là sẽ “hiểu”. Việc sợ vô hình chung làm trẻ em cảm thấy muốn giấu diếm, muốn trốn tránh đối mặt với cha mẹ nhiều hơn là chúng sẽ hiểu ra và rút kinh nghiệm.Chúng sẽ trở nên tự ti, không dám tin vào bản thân điều gì và cũng chẳng dám chia sẻ cuộc đời mình với cha mẹ nữa. Chưa kể đến việc sử dụng bạo lực có thể khiến gây nên những tổn hại về tinh thần về lâu dài như khiến đứa trẻ trở nên lì lợm, thích bạo lực hoặc mặt khác, khiến chúng bị tổn thương và ám ảnh bạo lực (hội chứng Obsessive-Compulsive Disorder – rối loạn ám ảnh cưỡng chế).

Thay vì sử dụng đòn roi, điều cha mẹ cần làm là:

  • Bình tĩnh và kiên nhẫn chỉ ra những lỗi sai, phân tích vì sao con lại sai và con nên làm như thế nào mới đúng, đó mới chính là giải pháp khiến trẻ “hiểu” và đồng thời cả “sợ” – biết sai và không lặp lại.
  • Chia sẻ kinh nghiệm cha mẹ từng có về vấn đề đó và đưa ra những lời khuyên đúng đắn
  1. Lo lắng thái quá:

Tâm lý lo lắng con mình không làm được, không giải quyết được cũng khiến một bộ phận các phụ huynh có cách chăm sóc con thái quá. Việc phục vụ con từ những việc nhỏ nhất khiến trẻ bị dựa dẫm, phụ thuộc và hơn thế là không có bản lĩnh, không tự lo được cho bản thân và khi gặp những tình huống nguy cấp thì không thể giải quyết.

Cha mẹ nên để con quyết định những việc trong tầm tay của trẻ như lựa chọn quần áo, tự gấp quần áo và chăn đệm của mình, tự lấy thức ăn mang đến trường mỗi ngày hay tự vệ sinh cá nhân mỗi buổi sáng. Đừng quên hướng dẫn chúng từ những ngày đầu và luyện cho con thói quen làm việc có kế hoạch và sự chuẩn bị cẩn thận của riêng mình. Cha mẹ nên tin tưởng con cái, thì chúng mới có thể tin vào chính bản thân mình để nỗ lực và cố gắng.

  1. Không khen ngợi

Đây là một thói quen, một lối suy nghĩ rất phổ biến ở người lớn, đặc biệt là người Việt Nam với lối sống ít thể hiện tình cảm hay thái độ khen ngợi đối với việc làm đúng đắn, mà thay vào đó lại chú ý đến việc chê trách khi làm sai nhiều hơn. Cindi Leive – một trong những phụ nữ có tên tuổi nhất làng báo chí Mỹ đã nói rằng: “Hãy đếm lại số lời khen bạn đã dành cho những người xung quanh, rồi cố gắng tăng gấp đôi con số đó”. Kể cả những con người lạnh lùng và chuyên nghiệp nhất cũng có mong muốn được nhận những lời khen ngợi từ cấp trên, nói gì đến những tâm hồn con trẻ đang trong quá trình phát triển rất cần được động viên và khích lệ? Những lời khen và những phần thưởng sẽ giúp trẻ nhỏ nhận thức rõ mình đã làm được một điều gì đó thành công, một điều đúng đắn và nó sẽ có thành quả như thế nào. Từ đó chúng mới có động lực và cố gắng làm tốt thật nhiều để có được sự công nhận đó. Suy nghĩ coi những việc làm đúng là đương nhiên, còn làm sai thì đáng bị trừng phạt là cực kì nông cạn mà bất cứ cha mẹ nào cũng không nên có khi nuôi dạy con cái.

Nuôi con, không nên nghiêm khắc quá, mà cũng không được chiều chuộng và lo lắng thái quá, rõ ràng là điều không hề đơn giản. Chính vì vậy, giáo dục trẻ là điều rất cần các yếu tố kiên nhẫn, sự hiểu biết và quan tâm của cha mẹ. Tình yêu thương con trẻ hẳn ai cũng có, nhưng việc kiên trì và nhẫn nại đủ để giúp chúng lớn lên được cả về thể xác và tâm hồn mới là điều đáng để chú ý, là điều cần phải bàn luận.

Leave a Reply