0247.3030.686 | 091.487.3333
ceo@ivyleaguevietnam.edu.vn

21 Th5 2018

Trẻ em: Giáo dục và vai trò của cha mẹ

/
Posted By
/
Comments0

Vẫn biết vấn đề chăm sóc , nuôi dưỡng trẻ em và cách dạy bảo chúng là một chủ đề rất đỗi thân quen và dường như các bậc phụ huynh có thể tìm thấy rất nhiều rất nhiều những nguồn thông tin khác nhau khi tim kiếm từ khóa “giáo dục trẻ em”. Tuy nhiên, thật lòng mà nói, dù có nắm được hàng trăm đầu sách hay và các nguồn tài liệu quý giá đi chăng nữa, quan trọng nhất vẫn là cách thức cha mẹ để chúng tiếp cận với con mình như thế nào, hay nói cách khác, là làm thế nào để trẻ tiếp thu được những bài học đó.
Thời gian đầu tiên – 6 năm đầu đời của một đứa trẻ là quãng thời gian chúng hình thành ý thức, khả năng ngôn ngữ và cảm xúc của mình. Trường lớp, thầy cô giáo và bạn bè là một môi trường giáo dục quan trọng, đúng. Nhưng với 6 năm đầu đời này, cha mẹ mới là những người giáo viên đầu tiên của con mình. Bên cạnh việc trở thành một cô, cậu học sinh mặc áo đồng phục với cái đầu đầy chữ và những kiến thức học thuật, một đứa trẻ cũng cần phải biết yêu thương người khác, biết rung động trước cái đẹp hay biết giao tiếp hay biết tự chăm sóc bản thân. Đó là những điều, những kĩ năng mà cha mẹ nên là người bạn, người giáo viên dạy bảo con mình hơn bất cứ ai trên đời.
Đầu tiên, hãy dành thời gian cho con cái.
Thời gian học tập và vui chơi cùng con là một điều vô cùng quan trong. Không nói đến những kiến thức đến từ sách vở và các bài kiểm tra mà con được học ở trường, mà là những bài học từ thế giới bên ngoài, cụ thể hơn, là những bài học về đạo đức và sự rèn luyện những kĩ năng. Đừng nghĩ rằng trẻ đến trường thì cô giáo sẽ dạy chúng tất cả mọi điều. Bởi bên cạnh con bạn, còn biết bao nhiêu đứa trẻ khác nữa cũng yêu cầu và đòi hỏi sự quan tâm giống y như vậy từ giáo viên. Một khi sự tập trung và quan tâm bị phân tán, chất lượng giáo dục sẽ giảm đi rất nhiều. Chưa kể, cha mẹ – những người gần gũi nhất, không dành thời gian cho con cái, thì còn ai thích hợp hơn sẽ dành thời gian cho chúng nữa? Chính vì vậy, đừng cho rằng bạn quá bận rộn với công việc mà có quyền quên đi trách nhiệm của mình. Một đứa trẻ chỉ có thể hạnh phúc chỉ khi chúng nhận được sự quan tâm, dạy bảo, chăm sóc và yêu thương từ những người thân. Bên cạnh những giờ học căng thẳng, thời gian để tham gia các hoạt động và vui chơi giải trí cũng rất cần thiết. “Một đứa trẻ chỉ được giáo dục ở trường, chẳng khác nào một đứa trẻ không được giáo dục”. – Triết gia George Santayana đã nói. Những hoạt động vui chơi chính là một “cơ hội tư duy”, một lớp học của cuộc sống mà tốt hơn cả cha mẹ nên là thầy cô dẫn dắt và chỉ bảo những kiến thức bổ ích cho đứa trẻ của mình. Bằng việc tham gia vui chơi cùng con và quan sát cách hành xử của trẻ, cha mẹ có thể hiểu con hơn rất nhiều, nắm bắt được những điểm mạnh và điểm yếu của chúng, từ đó tạo cơ hội cho con phát triển những điều hay và cải thiện những điều chưa tốt. Những câu hỏi về suy nghĩ của chúng đối với bộ phim vừa xem hay yêu cầu chúng thử tìm một cách lắp ghép khác cho trò xếp hình đều giúp con phát triển những kĩ năng mềm khác nhau như kĩ năng tư duy phản biện hay kĩ năng tư duy sáng tạo.
Tôn trọng con cái
Việc tôn trọng và để con cái được quyết định và đưa ra lựa chọn cho cuộc sống của mình vẫn còn là chuyện tương đối hiếm gặp ở những đứa trẻ Việt Nam dưới 18 tuổi. Bởi dường như tính độc lập ở trẻ chưa được chú trọng rèn luyện nhiều từ nhỏ, và bản thân các quý phụ huynh cũng không cho rằng đó là một điều cần có ở một đứa trẻ. Cứ đứng ở cổng trường Tiểu học là thấy rõ, nhiều bậc phụ huynh tất ta tất tưởi đưa con lên tận lớp mỗi buổi sáng, trưa đến lại đến tận cửa đưa cơm mang nước, trời mưa mang ô, trời nắng mang mũ. Vẫn biết tất cả những hành động quan tâm đều xuất phát từ tình yêu thương và sự lo lắng cho con của các bậc cha mẹ, nhưng những hành động “cơm bưng nước rót” ấy, vô hình chung tạo nên sự ỷ lại, sự dựa dẫm vào người khác của con, khiến chúng trở thành những “cậu ấm cô chiêu” – những đứa trẻ chẳng bao giờ có thể lớn lên được.
Tâm lý lo lắng và chăm sóc thái quá của các bậc phụ huynh, suy cho cùng cũng là bắt nguồn từ việc, bạn đang sợ con mình sẽ không làm được, sợ chúng gặp nguy hiểm, sợ chúng không thể chăm sóc bản thân. Nói cách khác, bên cạnh việc giúp trẻ học cách để độc lập, tự chủ, đưa ra quyết định và chăm sóc chính mình, cha mẹ cũng nên học cách tin tưởng chúng, tin rằng con mình sau khi đã được học và chỉ bảo, nhất định sẽ ổn, sẽ làm được.Từ đó, hãy để chúng quyết định từ những việc nhỏ nhất, như chọn màu sắc cho đồ dùng cá nhân, chọn giờ học các môn phụ đạo hay tự sắp xếp những nhiệm vụ hàng ngày của riêng mình. Quyền được đưa ra quyết định và lựa chọn cho cuộc sống của mình sẽ khiến trẻ em cảm thấy mình được cha mẹ tôn trọng, giúp chúng trở nên tự tin, dám nói lên suy nghĩ và ý kiến của mình. Bên cạnh đó cũng giúp trẻ hiểu chúng cũng cần tôn trọng cha mẹ và những người khác như chính cách bản thân mình được tôn trọng và lắng nghe.
Những điều tưởng chừng như rất đơn giản để giúp trẻ em được “thành người” nhưng có lẽ không phải ai cũng làm được. Vì công việc, vi cuộc sống, vì phụ thuộc vào trường lớp, đôi khi cha mẹ quên mất vai trò của mình trong việc nuôi dưỡng con cái. Tuy vậy, thời gian phát triển và hình thành nhân cách của một đứa trẻ không hề kéo dài mãi, vậy nên để thay đổi và cải thiện cách dạy bảo của mình và với mong muốn con trẻ lớn lên tốt đẹp và thành công, các bậc cha mẹ nên định hướng và điều chỉnh cách dạy bảo và sự quan tâm của mình đối với con trẻ một cách hợp lí và đúng đắn nhất ngay từ hôm nay.

Leave a Reply