Giáo Dục trẻ em: không chỉ ở trường
Bên cạnh những kiến thức sách vở, những bài văn hay công thức toán được học ở trường, để một đứa trẻ có thể phát triển toàn diện cả về mặt đạo đức, lối sống lẫn kiến thức thì rất cần đến vai trò của các bậc cha mẹ trong quãng thời gian đầu đời. Ở những đất nước có nền văn hóa hiện đại hàng đầu như Mỹ và Nhật Bản, trẻ em ở độ tuổi từ 0 đến 6 tuổi luôn nhận được rất nhiều sự quan tâm và được tiếp cận với những phương pháp giáo dục hiện đại. Từ đó, chúng sẽ trở nên cứng cáp với những bài học, kinh nghiệm và kỹ năng sống được rèn luyện ngay từ nhỏ.
Độc lập
Tính tự lập chính là một trong những thói quen tối quan trọng mà một đứa trẻ cần được trang bị ngay từ nhỏ. Từ những chuyện nhỏ nhất như vệ sinh cá nhân hay dọn dẹp phòng ngủ của riêng mình, trẻ em cũng cần học cách lên kế hoạch và thời gian biểu chi tiết cho các nhiệm vụ trong ngày của mình. Không chỉ dừng lại ở việc sinh hoạt đúng giờ giấc, trẻ em cung cần được giao quyền tự quyết định và đưa ra lựa chọn cho các công việc hàng ngày như lựa chọn quần áo để đi học, chọn món ăn cho bữa trưa hay tìm ra một môn học phụ đạo mà bản thân yêu thích. Trẻ em từ 1 đến 2 tuổi có thể tự chơi, tự nhặt đồ vật làm rơi, từ 2 đến 3 tuổi là lúc có thể đánh răng rửa mặt và mặc quần áo. Cứ thế, theo độ tuổi dần lớn lên, trẻ sẽ ngày càng tự làm được nhiều việc cho bản thân và cả những việc nhà đơn giản để giúp đỡ cha mẹ mình.
Việc trẻ em có thể tự xử lí công việc vừa khiến chúng trở nên cứng cáp, có khả năng tự chăm sóc bản thân, lại vừa có thể tạo sự tin tưởng cho cha mẹ. Nếu có những tình huống khẩn cấp như công tác dài ngày hay có việc bận đột xuất, bạn có thể yên tâm, không cần phải lo lắng quá nhiều về việc con mình có ăn được không, có ngủ được không.
Sự tôn trọng
Không chỉ cần lễ phép với người thân, trẻ nhỏ cũng cần được dạy bảo cách tôn trọng người ngoài, cả những người bạn bè bằng vai phải lứa và cả người lạ. Những lời cảm ơn và xin lỗi cần được chú trọng và nói ra đúng thời điểm. Đức tính lịch sự và lễ phép rất quan trọng giúp một con người có thể thành công và nhận được sự yêu mến từ mọi người xung quanh. Để có thể giáo dục và dạy bảo con cái đức tính đó, nói đi cũng phải nói lại, cha mẹ đương nhiên phải có được sự tôn trọng của chúng trước đã. Chính vì vậy, bản thân người lớn cũng rất cần có lối sống gương mẫu, chỉn chu để trẻ nhỏ dễ dàng học tập và nhìn nhận rõ việc gì nên làm, không nên làm, tại sao nên nghe lời cha mẹ,… Việc trút giận từ công việc vào con cái, hay nổi nóng với con ở chỗ đông người là điều tối kị mà bất cứ cha mẹ nào cũng nên tránh. Việc chỉ trích và quát mắng con rất dễ khiến chúng trở nên tự ti và không dám tin vào bản thân bất cứ điều gì. Thay vì đánh đập hay dùng những lời lẽ nặng nề, giải quyết bằng cách nói chuyện và phân tích cho con hợp lí hơn rất nhiều. Sau khi đã phân tích và giảng giả, cách dạy bảo con mà các bậc cha mẹ Mỹ hay làm, đó là để con một mình. Trẻ em rất sợ cảm giác bị bỏ rơi, bị cha mẹ quên lãng. Hình phạt này chính là một cách khiến trẻ em hiểu được chúng đã sai. Đồng thời việc ở một mình cũng giúp chúng phải suy nghĩ một cách nghiêm túc về những gì mình đã làm. Từ đó, cách giải quyết nhẹ nhàng này có thể khiến trẻ nhận thức được lỗi sai mà không phải chịu tổn thương về mặt thể xác lẫn tinh thần.
Đọc sách – Viết nhật kí – 30 phút mỗi ngày
Mỗi cuốn sách giống như một thế giới khác với rất nhiều bài học và tri thức mới lạ mà trẻ em có thể học hỏi rất nhiều điều. Cha mẹ cần chọn những cuốn sách với nội dung phù hợp và bổ ích cho con, đừng quên dành ra một khoảng thời gian 30 phút vào cuối ngày để cùng chúng đọc và bàn luận về nội dung cuốn sách. Sự có mặt của cha mẹ cũng là để giúp chúng giữ kiên nhẫn với những trang sách và giảng giải những từ ngữ khó. Sau khi trẻ đã quen dần với thói quen đọc, cha mẹ có thể để con đọc một mình và cảm nhận theo cách của riêng chúng.
Viết nhật kí cũng là một kĩ năng giúp trẻ phát triển khả năng hệ thống công việc trong ngày và học cách phán xét, nêu lên suy nghĩ và cảm nhận của mình. Nhật kí giúp trẻ không chỉ dừng lại ở việc băn khoăn hôm nay mình đã làm sai điều gì, bị phạt ra sao, mà giúp chúng ghi nhận hôm nay mình đã làm được những gì, những bài học mà bản thân nhận được hôm nay là gì? Chúng có thể cần đến sự giúp đỡ của người lớn trong quá trình đầu, nhưng sau đó hãy để con được viết những bí mật và cảm nhận của riêng chúng. Có những điều, những câu chuyện mà bạn chỉ muốn giữ cho riêng mình và trẻ em cũng vậy. Hãy tôn trọng cuộc sống và quyết định của con cái và chúng cũng sẽ tôn trọng cha mẹ, đồng thời tôn trọng và hiểu được giá trị của chính bản thân mình.