Giáo dục tư duy quan trọng như thế nào đối với trẻ em?
Khả năng tư duy – Giáo dục tư duy là gì?
Khả năng tư duy là một kĩ năng vô cùng quan trọng trong thời đại này, khi mà công việc trí óc đang chiếm ưu thế và được các bạn trẻ hướng tới hơn cả thay vì những công việc chân tay như trước đây. Từ đó có thể thấy, việc giáo dục tư duy là một điều tất yếu để hình thành những khả năng đó.
“Tư duy” là khi con người không chỉ đơn giản là tiếp nhận thông tin như một lẽ dĩ nhiên, mà thay vào đó những câu hỏi và vấn đề được đặt ra như : “Tại sao lại như vậy?” ; “Bằng chứng và nền tảng của vấn đề là gì?” ; “Căn cứ của thông tin này ở đâu?”. Nghĩa là, bên cạnh việc nghe và nhận, ta cần phải thu thập và phân tích dữ liệu một cách kĩ càng. Bất kể công việc của bạn là gì, kinh doanh, dịch vụ hay tài chính – ngân hàng, khả năng tư duy đều cần thiết được sử dụng để nhận định và giải quyết các vấn đề. Chính vì vậy, đây là một kĩ năng rất quan trọng, cần được rèn giũa và phát triển ở mỗi cá nhân ngay từ nhỏ – từ các đối tượng là trẻ em. Giáo dục tư duy – sự quan tâm và chỉ dạy của cha mẹ, thầy cô ở trường học và trong gia đình dành cho trẻ em từ độ tuổi nhỏ nhất và từ những bước đầu tiên đều sẽ góp phần giúp cho não bộ và tư duy của trẻ sớm phát triển và được hình thành cách thức tiếp nhận thông tin từ thế giới bên ngoài. Tóm lại , giáo dục tư duy cho trẻ em cần được chú trọng và đầu tư càng sớm càng tốt.
Tầm quan trọng của giáo dục tư duy đối với trẻ em
Bên cạnh việc phát triển các môn học văn hóa, việc giáo dục tư duy cho trẻ em cũng quan trọng và cần được lưu tâm không kém. Thời điểm từ 0 đến 4 tuổi là giai đoạn phát triển rất quan trọng của não bộ. Những hình thành cơ bản về trí tuệ và thần kinh như cảm nhận cảm xúc, khả năng nhận biết hay tư duy logic cần được đặc biệt chú trọng. Chính vì vậy, càng được tiếp nhận những phương pháp giáo dục và cơ hội tư duy đúng đắn sớm vào độ tuổi này, trẻ em càng có cơ hội được cải thiện trí thông minh và khả năng phân tích của mình.
Tư duy của trẻ em được chia ra thành ba mảng chính, với mỗi mảng tư duy này, các em sẽ thiên hướng đến một kĩ năng khác nhau .
- Tư duy biện luận: giáo dục tư duy trước hết bao gồm việc rèn luyện kĩ năng phản biện giúp trẻ nhỏ có khả năng chọn lọc, phân tích và xử lí thông tin được tiếp nhận qua những quá trình xử lí bởi não bộ. Đối với những thông tin thiếu dẫn chứng và chưa được xác thực, sự hoài nghi sẽ được hình thành và từ đó mong muốn được biện luận và hàng loạt câu hỏi sẽ xuất hiện trong tiềm thức, giúp các em có thể nhận biết và phân biệt đúng sai trong các tình huống. Theo Marilyn Price-Mitchell – một nhà tâm lý học nền tảng tại Mỹ: “Điều quan trọng là khiến lũ trẻ cảm thấy rằng tư duy thực sự là một điều vui vẻ và luôn mong muốn được trở thành những người biết nghĩ”. Đây là một kĩ năng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống thường nhật cũng như học tập và công việc trong tương lại của trẻ em.
- Tư duy tò mò – sáng tạo: mong muốn được tìm hiểu và đặt câu hỏi về mọi thứ xung quanh chính là nền tảng hình thành nên khả năng tìm tòi và sáng tạo. Được giáo dục và phát triển tư duy sớm từ nhỏ, mảng tư duy này sẽ giúp trẻ nhỏ có thể nhìn nhận một vấn đề từ nhiều góc độ, từ đó có thể phát triển kĩ năng giải quyết và xử lí bằng nhiều cách thức khác nhau. Khả năng giải quyết tình huống nhanh nhạy và linh hoạt được nuôi dưỡng sớm sẽ giúp trẻ dễ thành công hơn trong mọi lĩnh vực sau này.
- Tư duy tiếp nhận ý kiến: sự sửa chữa và cải thiện trí tuệ là một yếu tố không thể không nhắc tới trong việc giáo dục tư duy cho trẻ em. Sự nhận biết khiếm khuyết giúp trẻ không lặp lại những sai lầm của bản thân và từ đó dễ dàng hoàn thiện cũng như phát triển mình. Việc tiếp nhận thông tin và ý kiến từ bên ngoài cũng giúp trẻ tích lũy và trau dồi nguồn thông tin. Kĩ năng “sửa” và “nghe” này không chỉ hình thành đức tính khiêm tốn mà còn nâng cao ham muốn học hỏi và thúc đẩy sự tiến bộ của trẻ.
Có thể nói, tư duy và thành công của một đứa trẻ không phải tự nhiên, do “trời phú” mà thành. Việc phát triển tư duy đối với trẻ em là một vấn đề hết sức cần thiết nếu các bậc cha mẹ mong muốn con cái có thể thành công bên cạnh việc rèn luyện sức khỏe hay chú trọng những môn học văn hóa. Những kĩ năng mềm quan trọng được hình thành từ việc được giáo dục tư duy đúng đắn sẽ góp phần không nhỏ giúp trẻ em nắm bắt được cơ hội và trở nên thành công cả trong cuộc sống lẫn trong công việc sau này.