0247.3030.686 | 091.487.3333
ceo@ivyleaguevietnam.edu.vn

21 Th5 2018

Những phương pháp giáo dục tư duy hiệu quả

/
Posted By
/
Comments0

Không có một chiến lược nào rõ ràng và cụ thể đủ để chỉ ra rằng trẻ nhỏ cần được phát triển và giáo dục kĩ năng tư duy như thế nào, bởi mỗi đứa trẻ là một cá thể khác nhau với  khả năng tiếp nhận và tốc độ nghe – hiểu hoàn toàn không đồng nhất. Chính vì thế, cha mẹ – những người sinh thành và hiểu con cái nhất là những nhân tố vô cùng quan trọng giúp các em có thể được giáo dục tư duy từ nhỏ đúng cách, đúng bước và phù hợp với từng giai đoạn phát triển cũng như phù hợp với khả năng tiếp thu và ghi nhớ của từng em. Giáo dục tư duy cần được đặt nét khởi điểm càng sớm càng tốt, ngay từ khi trẻ còn chưa bắt đầu bước vào độ tuổi đến trường. Vậy nên lúc này sự đồng hành của cha mẹ cùng các em trong quá trình nuôi dưỡng khả năng tư duy là điều tối quan trọng. Để làm được điều gọi là “đồng hành” đó, các bậc cha mẹ cũng cần có định hướng rõ ràng cho con trẻ rằng: kĩ năng tư duy quan trọng đối với chính bản thân các em như thế nào? Chẳng hạn như nếu các em biết đọc, biết suy nghĩ, các em có thể tự đọc truyện, sách báo, giải câu đố mà không cần nhờ đến sự giúp đỡ của người khác. Sau khi làm rõ vấn đề tư tưởng và có sự hợp tác của cả hai bên – sự giúp đỡ của cha mẹ và mong muốn được học hỏi ở các em, con đường giáo dục tư duy cho con sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.

Vậy giáo dục tư duy như thế nào để đạt hiệu quả cao?

  1. Đưa trẻ em vào môi trường tư duy:

Môi trường tư duy như không gian vui chơi hoặc học tập cho trẻ em cả trong nhà và ngoài trời là nền tảng , là bước đầu tiên của quá trình giáo dục tư duy. Với mỗi một môi trường khác nhau như phòng khách, thư viện, sân vườn, công viên hay sở thú, cùng với sự đồng hành và chỉ dạy của cha mẹ, trẻ em sẽ tiếp cận được nhiều điều mới mẻ và những khám phá thú vị. Sự kiên nhẫn với tất cả các câu hỏi và khúc mắc của trẻ em lúc này là vô cùng quan trọng để có thể giúp các em tiếp thu kiến thức và có thêm hứng thú học hỏi nhiều điều, nhiều bài học khác sau đó. Mặt khác, việc trò chuyện, hỏi – đáp thường xuyên cùng trẻ em cũng giúp các em phát triển khả năng ngôn ngữ nhanh và tốt hơn rất nhiều.  

  1. Tạo ra những cơ hội tư duy:

a, Phát triển trí tưởng tượng:

Quá trình giáo dục tư duy bao hàm cả việc tạo ra cơ hội tư duy bằng các đặt trẻ vào những tình huống và hoàn cảnh khác nhau để thúc đẩy khả năng tư duy được vận hành. Từ việc quan sát thái độ và hành động của con trước các tác động và hoàn cảnh, cha mẹ có thể đặt ra những câu hỏi về hoạt động đang diễn ra và thử yêu cầu các em giải thích hoặc đưa ra những nhận xét về sự vật, sự việc xung quanh. Để cho trẻ em được có cơ hội nói lên những suy nghĩ của mình và phát triển những ý tưởng đó theo hướng các em muốn là một phương thức rất hiệu quả giúp các em bộc lộ trí tưởng tượng phong phú cũng như nuôi dưỡng khả năng sáng tạo của mình. Bên cạnh đó, việc yêu cầu trẻ thực hiện những cách thức lắp ghép hay di chuyển khác nhau  trong quá trình vui chơi cũng là một phương thức hiệu quả giúp trẻ có ý thức vận động trí não để giải quyết vấn đề hay vượt qua chướng ngại. Nhờ vậy, trí nhớ của trẻ sẽ được tăng cường cũng như khả năng tư duy sáng tạo sẽ có cơ hội được phát huy. “Giá trị của giáo dục không phải là học được nhiều điều, mà là làm thế nào để suy nghĩ được thật nhiều”. (Albert Einstein).

 

b, Phát triển kĩ năng phản biện và tiếp nhận phản biện:

Cha mẹ có thể thường xuyên đặt con vào những tình huống có cách giải quyết mâu thuẫn nhau và thử tranh luận với các em vì sao lại như thế này, tại sao lại như vậy. Những cuộc tranh luận này sẽ giúp các em học cách nhìn nhận một sự việc từ nhiều góc độ khác nhau, từ góc độ của mình khi nói và từ góc độ của người đối diện khi nghe. Lúc này, trẻ em không chỉ có cơ hội suy nghĩ và nói lên ý kiến của riêng mình, mà còn phải học cách lắng nghe ý kiến của mọi người xung quanh. Từ đó sự cân bằng giữa khả năng nghe và nói sẽ giúp các em phát triển tư duy theo hướng tích cực và có một nền tảng vững chắc về tranh biện trong tương lại – kĩ năng giúp các em một mặt chỉ ra những vấn đề đến từ bên ngoài, để từ đó chỉ ra và khắc phục, một mặt nhìn nhận được những thiếu sót từ chính bản thân mình và học cách sửa chữa, rút kinh nghiệm từ những thiếu sót đó và hoàn thiện bản thân tốt hơn. “Tranh biện về một vấn đề mà không giải quyết nó còn hơn là giải quyết một vấn đề mà không tranh biện về nó”. (Pensees of Joubert, 1896).

  1. Hình thành thói quen lập kế hoạch:

Đây là một bài học hết sức quan trọng trong chuỗi bài học giáo dục tư duy cho trẻ em mà bất cứ cha mẹ nào cũng cần lưu tâm. Thói quen lập kế hoạch cũng giống như nút thắt quan trọng cho tất cả các kĩ năng tư duy khác. Bởi nếu các em phát triển được từng kĩ năng hiệu quả và thành công nhưng lại thiếu đi khả năng lập kế hoạch khoa học và rõ ràng cho các nhiệm vụ của mình, mọi thứ sẽ trở nên lộn xộn và không đem lại hiệu quả như mong đợi. Từ những việc nhỏ nhất như đi ngủ hay thức dậy, học bài hay dọn dẹp phòng, cha mẹ cần giúp các em lập kế hoạch rõ ràng và thực hiện nó một cách chính xác nhất có thể. Việc sắp xếp thời gian và làm theo các bước sẽ giúp các em có một quá trình làm việc có trật tự, quy củ ngay từ nhỏ và chắc chắn rằng mình không bỏ lỡ hay quên lãng một nhiệm vụ nào. Thói quen này được rèn giũa từ thời điểm sớm nhất chính là một ưu điểm vô cùng lớn giúp các em sau này có đường lối suy nghĩ và sắp xếp những việc cần phải làm rất minh bạch, rõ ràng, tiết kiệm không ít thời gian cũng như đem lại hiệu quả tuyệt đối cho công việc.

Leave a Reply