Khoa học chính là lợi thế cạnh tranh của bọn trẻ Việt Nam trong tương lai
Khi Thầy tôi, Giáo Sư Gary.S.Fields, một trong những Kinh Tế Gia hàng đâu nước Mỹ, hỏi Tôi rằng, “Nhân tố nào sẽ giúp Việt Nam phát triển tiếp trong tương lai?” Tôi đã giật mình trước câu hỏi của Thầy. Nhìn lại 30 năm qua Việt Nam phát triển bằng gì? nếu như những năm đầu đổi mới, Việt Nam phát triển được nhờ chính sách mở cửa táo bạo của Chính Phủ đón luồng đầu tư nước ngoài đầu tiên vào Việt Nam. Kể từ khi chiến tranh kết thúc, các nhà tư bản Mỹ và Tây Âu đã nỗ lực tối đã trong việc hối thúc chính quyền Mỹ dỡ bỏ cấm vận đối với Việt Nam để các tập đoàn của Mỹ và thế giới được tiếp cận thị trường dồi dào tiềm năng này. Cuối cùng, nhờ những nỗ lực ngoại giao không mệt mỏi của các bên, ngày 3/02/1994, chính quyền Tổng Thống Bill Clinton đã tuyên bố dỡ bỏ cấm vận thương mại với Việt Nam. Làn sóng đầu tư ồ ạt chảy vào Việt Nam; các tổ chức quốc tế như Ngân Hàng Thế Giới (WB), Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) và các cơ quan của Liên Hợp Quốc đã mở văn phòng tại Việt Nam, giúp Việt Nam trong công cuộc tái thiết đất nước và xóa đói giảm nghèo. Những khoản viện trợ không hoàn lại kếch xù được rót vào Việt Nam. Việt Nam được coi là ưu tiên số một của Ngân Hàng Thế Giới, và quả thật Việt Nam đã gần như thoát nghèo, trở thành quốc gia có thu nhập trung bình sau 20 năm, là một ví dụ thành công sáng chói của WB. Hơn nữa, nhờ Mỹ dỡ bỏ cấm vận, thị trường được khơi thông, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang các quốc gia thuận lợi, lượng ngoại tệ của Việt Nam tăng mạnh, có thế và lực để phát triển đất nước. 20 năm ấy Việt Nam đã làm được gì? đã xây dựng được một nền công nghiệp nặng, nhẹ như chúng ta đã quyết tâm chưa? có lẽ là chưa. Việt Nam trở thành một công xưởng của thế giới, hay nói đúng hơn thành một công xưởng nhỏ của các nước Nhật, Hàn, và một số nước khác. Thu nhập chính của Việt Nam vẫn là từ xuất khẩu hàng nông sản và dầu thô. Người dân được hưởng lợi chút ít từ mở cửa, buôn bán tự do, làm giầu lên trông thấy. Nhưng điều đó chưa nói lên một Việt Nam thực sự phát triển. Hai chỉ số quan trọng của một quốc gia phát triển cần kể đến là y tế và giáo dục, đó là chăm sức sức khỏe cho người dân và trình độ dân trí nói chung.
Trong mười năm qua, nếu ai ở nước ngoài về đều thấy đất nước chúng ta thay da đổi thịt. Nhưng thực tế chúng ta mới thay da, nhưng đã thực sự đổi thịt chưa? 10 năm qua là những tháng ngày “mưa vàng” với các tập đoàn bất động sản. Đi đâu cũng thấy bất động sản, cả đất nước rơi vào vòng xoáy của bất động sản. Dự án, nhà, khu đô thị mọc lên khắp nơi. Những bãi rác xưa kia đã thành đô thị. Những nghĩa địa xưa kia đã thành siêu thị. Những nhà máy nội đô xưa kia đã thành nhà siêu sang. Nhưng đất nước đã thực sự đổi thịt chưa? Nếu ta tạm gọi những biểu hiện đó là bề ngoài của sự phát triển vũ bão của Việt Nam, thì thực sự Việt Nam cần gì tiếp theo để phát triển trong 10 năm 20 năm tiếp theo đây? quay trở lại câu hỏi của GS. Fields. Tôi đã ngập ngừng suy nghĩ một hồi lâu rồi tiếp tục lái xe, mà chưa trả lời Thầy. Một lúc sau Tôi nói, “Thưa Thầy yếu tố quyết định sự phát triển tiếp theo của Việt Nam trong tương lai phải là con người. Việt Nam cần đào tạo một thế hệ trẻ thành thạo Ngoại Ngữ, Toán, và Khoa Học để làm động lực đưa đất nước tiếp tục phát triển. Bọn trẻ Việt Nam phải được giáo dục “tử tế”, được rèn luyện sức khỏe, và được định hướng và đầu tư từ sớm để vào được những đại học lớn, chiếm lĩnh những vị trí công việc quan trọng trong các ngành khoa học tự nhiên, từ đó làm chủ công nghệ, quay lại giúp Việt Nam phát triển. Nhìn vào Nhật, Hàn, hay Trung Quốc, mà đặc biệt là Trung Quốc. Họ có chiến lược đầu tư để người TQ có mặt ở khắp mọi nơi. Sinh viên TQ vào được những trường đại học hàng đầu thế giới, và sau khi ra trường người TQ cũng chiếm lĩnh các vị trí công việc rất tốt tại các tập đoàn lớn của Mỹ, và các nước phát triển. Tôi chưa muốn nói đến yêu tố dân tộc chủ nghĩa của người TQ, đi đâu cũng kết thành mạng lưới khổng lồ, kín mít để giúp đỡ lần nhau. Người Việt Nam chúng ta ở trong và ngoài nước chưa làm được điều này, vì nhiều lý do. Tôi sẽ nói ở trong một bài khác. Nhưng điều chúng ta có thể làm được ngay từ hôm nay là định hướng và đầu tư cho con em mình học Khoa Học, Toán, và Tiếng Anh ngay từ sớm. Để những đứa trẻ của chúng ta thông thái, tài ba, để chiếm lĩnh những vị trí quan trọng trong tương lai dù ở Việt Nam hay các nước khác. Sự phát triển này không thể ăn xổi ở thì như kiểu kinh doanh chộp giật, mà cần một chiến lược, một định hướng, sự khích lệ, sự trợ giúp. Tôi lấy ví dụ, liệu các ngân hàng Việt Nam có sẵn sàng đầu tư bằng hình thức cho vay để một học sinh Việt Nam đỗ các trường đại học hàng đầu nước Mỹ có điều kiện học hành, sau khi ra trường sẽ đi làm và trả nợ thay vì dồn quá nhiều tiền đầu tư cho những tập đoàn bất động sản, những dự án không đi tới đâu, thua lỗ, không bền vững? Quả thực còn có quá nhiều tài năng trẻ Việt Nam cần được sự trợ giúp, và nếu được giúp thì các em chắc chắn sẽ tỏa sáng và việc trả nợ 4-5 tỷ đồng ngày nay so với tiềm năng của các em trong tương lai chỉ là chuyện nhỏ.
Một đất nước cần có nền tri thức thực sự thì mới có lực lượng sáng tạo thực sự dựa trên nền tảng khoa học, từ đó mới có một nền công nghiệp mạnh, một nền kinh tế mạnh. Thời kỳ làm giầu dễ dãi sẽ qua đi, và muốn tồn tại thì phải có đầu tư lâu dài, 10 năm, 20 năm, chứ không thể nhắm mắt xây tòa chung cư vài tháng bán thu tiền tấn nữa rồi. Hình như những tập đoàn ban đầu đi lên nhờ bất động sản, cũng đang nghĩ xa và đầu tư xa cho tương lai. Có làm như thế, đất nước mới thực sự có thế lực phát triển mới.
Chưa ai có thể dự đoán thế giới trong 10 năm 20 năm nữa sẽ ra sao, nền kinh tế toàn cầu sẽ dùng phương tiện thanh toán nào, tiền ảo hay tiền thật, nhưng khoa học sẽ mãi mãi là khoa học, và dù có gì xảy ra đi chăng nữa thì vị trí của khoa học là bất tử và bất khả thay thế. Bọn trẻ Việt Nam phải học Khoa Học là thế.
Gọi là vài lời pham phủ tục tử góp chuyện với bạn đọc trong hằng hà sa số những điều mắt thấy tai nghe mỗi ngày.
NHÂN CHUYỆN NÀY, TÔI SHARE LẠI BỘ SÁCH SCIENCE DÀNH CHO HỌC SINH TỪ LỚP 1-6 TẠI CÁC TRƯỜNG TIỂU HỌC BANG CALIFORNIA VÀ MỘT SỐ BANG KHÁC