0247.3030.686 | 091.487.3333
ceo@ivyleaguevietnam.edu.vn

Nước Mỹ trong trái tim tôi (phần 2)

26 Th2 2018

Nước Mỹ trong trái tim tôi (phần 2)

/
Posted By
/
Comments0

Từ đây người biết quê người.
Từ đây người biết thương người.
Từ đây người biết yêu người…

Tiếp theo kỳ trước…

Lại nói chuyện tranh cử của Tổng Thống Obama. Như tôi đã nói ở kỳ trước, ông đã xuất sắc vượt qua Thương Nghị Sỹ Tiểu Bang New York là bà Hillary Clinton để giành vé đề cử của Đảng Dân Chủ chạy đua vào nhà trắng. Chuyện về ông nhiều điều để kể, để ca tụng và để người ta cảm động – Chuyện về thân thế và sự nghiệp của ông.

Tuổi thơ…

Barack Obama chào đời tại Bệnh Viện Sản Khoa Kapi’olani, Honolulu vào ngày 4/08/1961 từ một sự kết hợp hiếm hoi giữa một người phụ nữ gốc Anh là bà Stanley Ann Dunham và một người đàn ông da đen gốc Kenya, Barack Obama Sr. Thân thế ông thật đặc biệt, nhưng nếu nghiên cứu kỹ thì cả cha và mẹ ông đều là những con người thuộc tầng lớp học hành tử tế ở Mỹ lúc bấy giờ. Sau khi ly thân vào năm 1961, bà Stanley bế con nhỏ tới học trường Đại Học Washington tại Seattle – một trường đại học thơ mộng có Campus đẹp mê hồn khi hoa anh đào nở rộ và đài phun nước mở van. Còn cha ông tới Harvard học kinh tế. Đến năm 1964, bố mẹ ông chính thức ly dị. Bố ông tốt nghiệp Harvard và quay trở về Kenya và chết trong một vụ tai nạn vào năm 1982. Cả cuộc đời kể từ khi lớn, Obama gặp cha mình có một lần.

 

Từ Trường Luật Harvard tới Thượng Nghĩ Sỹ Ilinois…

Thời ở Boston, tôi nghe Thầy tôi kể lại rằng khi Obama được chọn làm Tổng Biên Tập Tạp Chí Luật Harvard vào năm 1990 khi ông học năm 2 của trường luật Harvard, dư luận và truyền thông nước Mỹ đã xôn xao, vì không biết nhân vật nào mà lại tài năng đến vậy. Năm 1995, ông xuất bản cuốn sách đầu tiên: Những Giấc Mơ Đến Từ Cha Tôi. Cuốn sách nhanh chóng thu hút người đọc. Ông đi khắp nước Mỹ diễn thuyết về cuốn sách, về thân phận của mình và về các vấn đề phân biệt chủng tộc đâu đó còn tồn tại trong xã hội Mỹ. Tôi có xem lại buổi diễn thuyết của ông. Ông vẫn điềm đạm, giọng nói ấm áp, pha chút hài hước và đầy thuyết phục. Diện mạo ông không thay đổi nhiều sau 21 năm. Ngày ấy ông gầy hơn. Ông mặc bộ véc xoàng xĩnh, chứ không phong độ, lịch lãm như những năm tổng thống của đời mình.

Năm 2004, ông quyết định ra tranh cử ghế Thượng Nghị Sỹ bang Illinois. Tôi muốn nhấn mạnh một yếu tố thành công của ông đó là người trợ tá đắc lực và trung thành của ông, người sau này làm Cố Vấn Cao Cấp cho ông trong nhiệm kỳ đầu tiên làm tổng thống – ông David Axelrod. Chính David đã góp phần giúp Obama đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, giành ghế Thượng Nghị Sỹ, làm ông chủ Nhà Trắng trong cả 2 nhiệm kỳ. Chính Obama có lần nói với David Axelrod rằng, “Mọi thứ sẽ rối tung lên nếu không có bàn tay chiến lược của anh, David ạ!”.

Và ông đã đến Việt Nam…

 

Ông đã làm Nhân Dân Việt Nam xúc động trước sự chân thành của mình. Lời ông nói để chúng ta nhớ mãi. Ông nhắc đến Lý Thường Kiệt với bài Nam Quốc Sơn Hà. Ông ngân nga câu ca Mua Xuân Đầu Tiên của cố nhạc sỹ Văn Cao: Từ đây người biết quê người. Từ đây người biết yêu người. Ông mượn Vòng Tay Lớn của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn để hàm ý rằng Hoa Kỳ sẵn sàng dang rộng vòng tay với Việt Nam, khép lại quá khứ đau thương để xây dựng tương lai. Tôi còn nhớ lời ông nói đến việc 200 năm trước, Thomas Jefferson, vị Khai Quốc Công Thần của nước Mỹ, khi chọn giống gạo cho nước Mỹ đã chọn gạo của Việt Nam vì gạo xứ này có tiếng là “Nhìn vào thì trắng ngần, ăn vào thì thơm lừng, mà năng xuất thì lại cao.” Ông hoài niệm lại cảnh tượng những đoàn tàu buôn Hoa Kỳ cập cảng Hội An cách đây 2 thế kỷ để giao thương với xứ sở thanh bình này. Ông biết ơn Việt Minh đã cứu sống phi công Mỹ bị rơi máy bay trên rừng Việt Bắc. Ông nhắc đến những giá trị chung đã được nêu trong Tuyên Ngôn Nhân Quyền Hoa Kỳ cũng như Tuyên Ngôn Nhân Quyền Quốc Tế mà đã được Chủ Tịch Hồ Chí Minh trích dẫn trong Bản Tuyên Ngôn Độc Lập năm 1945: Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Ông nói với chúng ta rằng ông muốn xây dựng nền tảng vững chắc cho tương lai quan hệ Việt-Mỹ. Vì lẽ đó, ông muốn trao cho Nhân Dân Việt Nam một niềm tin, cái mà người Mỹ gọi là a Token of Trust và Đại Thi Hào Nguyễn Du gọi là: “Rằng: trăm năm cũng là đây. Của tin gọi một chút này làm ghi.” Vâng, chỉ có niềm tin và sự tôn trọng lẫn nhau, mới làm nên một mối quan hệ bền chặt. Chỉ có thể thì Việt Nam và Hoa Kỳ mới nâng tầm quan hệ từ Cựu Thù tới Bằng Hữu và còn xa hơn nữa…

Xin được trích 2 câu thơ của Giang Vĩnh, đời Nhà Thanh:

Độ tận kiếp ba huynh đệ tại
Tương phùng nhất tiếu mẫn ân cừu
(Trải qua cơn sóng gió, tình anh em vẫn còn/ Gặp nhau cười một cái quên hết oán thù).

Và tôi lắng nghe Barack nói tiếp…nhìn nụ cười hiền hậu của ông…

Leave a Reply