Giúp trẻ học cách tư duy đa chiều
Tư duy đa chiều cũng giống như quan sát một khối rubic từ nhiều góc độ khác nhau. Mỗi góc nhìn phản ánh một màu sắc, một hình dạng. Cũng giống như khối rubic đó, những vấn đề khác nhau trong cuộc sống cũng mang tính chất đa chiều như vậy. Càng được nhìn nhận từ nhiều mặt, vấn đề càng được làm rõ hơn và được trẻ em quan sát cũng như nhận xét bằng nhiều cách thức khác nhau. Không chỉ dừng lại ở việc tiếp thu thông tin một chiều một cách máy móc, các em còn cần được học cách thu nhận thêm kiến thức từ những khía cạnh khác nhau của vấn đề, từ đó tránh khỏi việc gò bó và giới hạn hẹp suy nghĩ của mình.
Hình thành kĩ năng phản biện
Học cách tư duy đa chiều để nhận ra tính hai mặt của sự việc sẽ hình thành kĩ năng phản biện cho trẻ em. Kĩ năng này có thể được phát huy khi đối mặt với những tình huống có cách giải quyết mâu thuẫn nhau, hay cần tìm ra phương án tốt nhất khi có quá nhiều sự lựa chọn. Đây là lúc trẻ em cần tư duy theo nhiều mặt để lật ngược tình huống hay phát hiện những mặt trái của vấn đề. Việc nhận thức rõ được vấn đề sẽ giúp trẻ sáng suốt hơn khi đánh giá bản chất đúng hay sai, đồng thời cuộc sống và công việc trong tương lai sẽ bớt đi nhiều trở ngại nếu tìm được những cách giải pháp khác nhau cho những khó khăn và chướng ngại. Hay ví dụ gần hơn, rằng một đứa trẻ được sống trong nhung lụa đôi khi sẽ bị sốc trước sự thiếu thốn và nghèo đói, vậy nên để dạy con hiểu rõ tính thực tế của vấn đề, cần phải cho con thấy cả những mặt trái mà con chưa từng biết đến.
Mục đích của phương thức giáo dục tư duy đa chiều này nhằm giúp trẻ em không suy nghĩ theo lối mòn mà thay vào đó tưởng tượng và sáng tạo những mặt mới mẻ của vấn đề. Giống như một nhóm bạn có thật nhiều người sẽ rất vui vẻ và tràn ngập tiếng cười, nhưng một tình bạn đẹp giữa hai người lại tạo nên sự gắn kết và thấu hiểu nhau hơn. Điểm trừ và điểm cộng của sự việc đều được mổ xẻ kĩ càng để đưa ra được kết luận và nhận xét đúng đắn nhất. Sự đánh giá cao tri thức không còn dừng lại ở việc học tập và học thuộc lòng một cách thụ động, nói cách khác là “tư duy bậc thấp”. Tư chất được chú ý tới chính là kĩ năng phản biện, sáng tạo những ý tưởng mới và suy nghĩ, phân tích kĩ càng – hay còn gọi là “tư duy bậc cao”. Tuy nhiên ngày nay, trong các trường học, đa phần các thầy cô giáo và cả cha mẹ vẫn thường đánh giá các em chỉ qua khả năng “tư duy bậc thấp” – khả năng học thuộc lòng những gì được nghe rồi từ đó vượt qua những bài kiểm tra và có một kết quả cao.
Tiến sĩ Carol Dweck của Đại học Stanford đã đưa ra nhận định qua nghiên cứu của mình rằng, sự đa dạng nhiều mặt của quá trình tư duy được nuôi dưỡng bằng việc khuyến khích, động viên là một nhân tố quan trọng cần phải có để dẫn đến thành công. Để đạt được kết quả đó, cha mẹ cần bắt đầu các bước giáo dục tư duy nhiều mặt cho con trẻ từ độ tuổi nhỏ nhất, khi trí tò mò và khát khao được học hỏi của trẻ cực kì mạnh mẽ và khả năng ngôn ngữ cũng đang phát triển và rất cần được trò chuyện, trao đổi nhiều, lúc này việc truyền dạy kiến thức sẽ được trẻ đón nhận và ghi nhớ một cách nhanh chóng. Tuyệt đối không nên áp đặt suy nghĩ hay ép buộc trẻ phải tư duy theo ý muốn của người lớn. Trừ khi trẻ có suy nghĩ sai lệch hay tiêu cực thì cha mẹ nên giúp con điều chỉnh một cách từ từ. Khen ngợi và động viên con nói ra những suy nghĩ nhỏ nhất và những chính kiến của riêng mình. Những câu hỏi mang tính chất mở cũng sẽ giúp trẻ dễ dàng trả lời hơn, thậm chí là những câu trả lời rất sáng tạo. Càng được nói lên ý kiến và quan điểm của mình, trẻ em càng cảm thấy mình được cha mẹ lắng nghe, được tôn trọng, sau này sẽ giúp con trở nên bản lĩnh, dám nói lên ý kiến của mình cũng như dám phản biện ý kiến của người khác. Quá trình tương tác này giúp trẻ em nhìn ra những thiếu sót của bản thân và chỉ ra những sơ sót của người khác. Có thảo luận và tranh biện, vấn đề sẽ được giải quyết có hiệu quả, có giải pháp và dễ dàng đạt được thành công.