0247.3030.686 | 091.487.3333
ceo@ivyleaguevietnam.edu.vn

21 Th5 2018

Giáo dục tư duy ở Trường

/
Posted By
/
Comments0

Ngày nay, khi thời đại công nghệ số hiện đại đến mức bằng một vài thao tác nhanh gọn có thể cho ra hàng trăm nguồn thông tin với hàng triệu câu trả lời chỉ để phục vụ một câu hỏi. Lúc này, để đảm bảo những tìm kiếm đó vừa đem lại đầy đủ thông tin và dữ liệu mà lại phải thật chính xác và toàn vẹn, con người không thể không sở hữu kĩ năng tư duy – kĩ năng giúp ta trải nghiệm, quan sát và phân tích thông tin. “Đừng tin tất cả những gì bạn nhìn thấy trên Internet chỉ bởi chúng có một chiếc ảnh và một câu trích dẫn ở bên cạnh”. (Abraham Lincoln). Việc giáo dục tư duy để hình thành và luyện tập kĩ năng tư duy là điều hiển nhiên cần thiết với mỗi cá nhân, và đã là giáo dục thì nên bắt đầu từ thời điểm sớm nhất – khi mỗi cá nhân đó còn là những đứa trẻ, nói cách khác, giáo dục tư duy cho trẻ em là điều rất cần được lưu tâm. Bên cạnh quá trình rèn luyện ở nhà cùng cha mẹ, việc được phát triển tư duy ở trường và vai trò của các nhà giáo cũng vô cùng quan trọng.

Tuy nhiên, ở các trường học ngày nay, đa phần trẻ em chưa thật sự được chú trọng về việc giáo dục tư duy. Tâm điểm của trường học chỉ là các bài kiểm tra, và khả năng ghi nhớ luôn được được đặt lên hàng đầu cũng như được quan tâm nhất bởi chỉ có ghi nhớ tốt thì mới có thể vượt qua cái “tâm điểm” đó với điểm số cao. Chính vì vậy, bên cạnh những tài liệu chất chồng và những điều phải học thuộc, trẻ em dường như lạ lẫm hoặc chán nản với việc đặt câu hỏi, thắc mắc hay đưa ra ý kiến của riêng mình. Vậy để cải thiện điều này, để giúp một đứa trẻ có khả năng phân biệt đúng sai, có khả năng sàng lọc thông tin và trở thành một “nhà phê bình” biết tự thông báo cho mình về một sự thật, một điều không đáng tin, các nhà giáo cần phải hành động như thế nào trong chiến lược giảng dạy của mình? Làm thế nào để những tương lai của đất nước không chỉ dừng lại ở việc nghe – nhớ mà còn có thể sáng tạo những ý tưởng của riêng mình và có khả năng giải quyết những vấn đề không chỉ dừng lại ở những bài kiểm tra trên giấy?

  1. Hình thành thói quen đọc:

Giáo dục tư duy cho trẻ em bao hàm cả việc giáo dục dạy trẻ cách tiếp nhận thông tin từ thế giới bên ngoài bằng việc đọc. Bất kể là báo chí, sách truyện hay tin tức online, việc đọc giúp các em học sinh có cơ hội tiếp cận các nguồn kiến thức khác nhau, sau đó đặt ra những câu hỏi cho trẻ nhằm kiểm chứng khả năng tiếp nhận và hiểu bài của các em. Những yêu cầu như dự đoán kết thúc của câu chuyện, tìm ý chính của bài hay tóm tắt bài đọc bằng một số từ nhất định cho trước sẽ giúp trẻ hệ thống nội dung vừa đọc được rõ ràng, mạch lạc và nắm bắt nội dung chắc chắn. Bên cạnh đó, các giáo viên cũng cần yêu cầu các em đặt ra những câu hỏi và những thắc mắc của mỗi cá nhân cho giáo viên và giúp các em giải đáp chúng. Những cuộc thảo luận nhóm giữa học sinh và học sinh hay học sinh và giáo viên về nội dung bài đọc đều mang lại lợi ích và đều cần thiết như nhau để giúp các em phát huy những kĩ năng mềm liên quan đến việc phân tích tình huống hay làm việc, thảo luận nhóm. “Tôi cần phải biết đánh giá chính bản thân mình. Nhưng tôi hay những người đàn ông khác sẽ không thể làm tốt điều đó trừ khi tâm trí chúng tôi được rộng mở và và làm giàu bởi việc đọc sách”. (The work of John Adams, 1856).

  1. Rèn luyện khả năng viết:

Khả năng nhận thức của trẻ em có thể được phát triển bằng cách thể hiện suy nghĩ và cá tính của bản thân qua những bài luận văn được giao theo chủ đề. Những đề tài đa dạng là những cơ hội giáo dục tư duy nhằm phát triển tư duy của các em ở nhiều mảng khác nhau. Các em học sinh có thể nói lên quan điểm và những góc nhìn rất riêng của mình về những chủ đề gần gũi, hay rèn luyện khả năng nhận biết tính chất đúng sai khi tra cứu thông tin phục vụ cho những chủ đề mới lạ. Để hoàn thành một bài luận văn, các em cũng cần học cách liên kết các mục, các phần sao cho thật hợp lí và khoa học hay học cách nhẫn nại và nỗ lực để hình thành một trang văn hoàn chỉnh, đủ ý với kết cấu chặt chẽ.

  1. Giải đố và đặt ra câu đố:

Những trò chơi điện tử và mạng xã hội thật sự rất hấp dẫn. Nhưng thay vì để các em học sinh đắm mình vào những trò chơi trên điện thoại, các thầy cô giáo nên tạo ra những giây phút thư giãn ngắn vào mỗi giờ học bằng cách đưa ra những câu đố hay những trò chơi giải ô chữ. Những câu hỏi khó và những trò chơi tư duy rất có ích cho việc phát triển trí thông minh và đặt trẻ vào tình thế phải suy nghĩ, phải tư duy. Bên cạnh đó, giáo viên có thể tạo ra cơ hội và trao thưởng cho những câu đố, trò chơi hay do chính các em học sinh sáng tạo ra và cùng trao đổi lẫn nhau để tìm ra câu trả lời.

Giáo dục tư duy là một yếu tố rất cần thiết trong việc nuôi dưỡng và dạy bảo một đứa trẻ. Giáo dục tư duy cũng chính là khi các em học sinh được dạy cách học, suy nghĩ và phát triển cuộc sống của chính mình.

Leave a Reply