Đi học sớm là tự làm hại con mình
Trong xã hội hiện nay có rất nhiều bậc làm cha làm mẹ luôn muốn con mình đi học kiến thức, học chữ trước khi con đủ tuổi cho những điều đó hay nói cách khác là họ muốn cho con mình biết trước những gì con chưa nên biết. Có rất nhiều người mắc một sai lầm nghiêm trọng khi nghĩ rằng cho con đi học sớm chính là để làm cho con giỏi hơn hay thông minh hơn. Hiện tại trên thế giới vẫn chưa có bất kỳ thí nghiệm hay công trình khoa học nào chứng minh việc được đào tạo từ sớm sẽ giúp cho trẻ thông minh hơn hay giỏi hơn trong tương lai. Ngược lại, trong thực tế đã có rất nhiều trường hợp con trẻ bị mắc các chứng bệnh rối loạn nhận thức và tâm lý do cha mẹ quá chú trọng đến việc cho con đi học các môn văn hóa từ sớm mà quên mất phát triển những kỹ năng cơ bản trong cuộc sống.
Đi học sớm làm trẻ không có thời gian chơi đùa
Có lẽ trong đời sống hiện tại chúng ta đã quá quen thuộc với hình ảnh những cô cậu học trò hai hay ba tuổi chạy ngược chạy xuôi để có thể kịp giờ vào lớp học tiếng Anh, học Toán, học Tiếng Việt và rất nhiều các môn học khác. Mỗi giờ học khoảng 2 hay 3 giờ như vậy mỗi ngày cùng với hàng tá bài tập làm thêm cũng đủ làm cho trẻ mệt mỏi và không có khoảng trống thời gian giành cho việc vui chơi bên ngoài.
“Trẻ em như búp trên cành,
Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan.”
Chẳng phải ngẫu nhiên Bác Hồ lại đặt việc ăn ngủ lên trước chuyện học hành khi nói về trẻ em như vậy. Việc ăn ngủ ở đây cũng chính là ẩn dủ dụ cho sự chơi đùa của trẻ khi còn nhỏ và đó là điều tối quan trọng đối với con trẻ.
Trẻ em học tập thông qua những trải nghiệm cuộc sống
Đã có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng trẻ em học tập được rất nhiều điều thông qua việc vui chơi thường ngày chứ không phải là từ những điều sáo rỗng trong sách vở. Trẻ không thể học được cách kết nối với thế giới thông qua những câu chuyện cổ tích, không thể biết cách yêu thương người khác qua những câu chuyện ngụ ngôn hay không thể biết cách giao tiếp với bạn bè qua những câu châm ngôn trong sách vở. Hãy để trẻ có thời gian tiếp xúc với thế giới xung quanh thay vì chỉ ngồi và học kiến thức trong 4 bức tường.
Trong cuốn sách “Rèn cha rồi mới rèn con”, Tiến sĩ Laura Markham cho biết, nghiên cứu chỉ ra rằng những đứa trẻ ở trong môi trường lấy chơi đùa làm trung tâm khi ở lứa tuổi nhà trẻ và mẫu giáo có kết quả học tập ổn định và tốt hơn so với những đứa trẻ theo học tại những trường mẫu giáo có tính chất học thuật. (1)
Tiến sĩ Laura Markham khẳng định trẻ nhỏ học hỏi thông qua quá trình khám phá và chơi đùa, đó chính là nền tảng của sự sáng tạo và hạnh phúc trong cuộc sống. (1)
Đi học sớm làm tăng nguy cơ mắc các chứng bệnh tâm lý ở trẻ
Thay vì để trẻ có thể học tiếng Việt một cách tự nhiên, nhiều bậc phụ huynh cho con mình theo học các lớp tiếng Anh từ nhỏ, thậm chí kể từ khi trẻ vẫn chưa biết đọc biết viết. Điều này có thể gây nên một hậu quả tiêu cực cho tương lai của trẻ khi mắc các chứng bệnh tâm lý hoặc khiến trẻ có vấn đề với việc phát âm và nói tiếng Việt sau này.
Ép trẻ học một lượng kiến thức lớn trong khoảng thời gian mà các bé vẫn còn thích chạy nhảy và đùa nghịch cũng có thể khiến cho con trẻ dần trở nên chán nản đối với việc học tập, gây ảnh hưởng tới tương lai của trẻ khi lớn hơn.
Thay lời kết, các bậc phụ huynh không nên đi theo những trào lưu của xã hội khi để trẻ đi học sớm so với tuổi. Đây có thể chính là hành động mà gây hại cho con mình trong tương lai. Không phải vô lý khi các nhà giáo dục lại để trẻ bắt đầu học chữ và kiến thức văn hóa khi lên 6 tuổi, bởi đó chính là khoảng thời gian phù hợp để trẻ bắt đầu; khi các bé chưa đạt đến độ tuổi đó, cha mẹ nên để con tự do chơi đùa và tham gia các hoạt động phù hợp.
(1) Theo Báo Dân Trí (dantri.com)