0247.3030.686 | 091.487.3333
ceo@ivyleaguevietnam.edu.vn

21 Th5 2018

Chọn ngành du học

/
Posted By
/
Comments0

Chọn ngành – một câu chuyện muôn đời vẫn khó đối với tất cả các bạn học sinh đang đứng trước ngưỡng cửa đại học. Đại học ở đây không phải chỉ gồm việc đi du học mà nó khó với cả những bạn có dự định theo học một trường đại học trong nước. Cứ trước mỗi kỳ tuyển sinh đại học, rất nhiều trường đại học ở Việt Nam lại tổ chức ra các buổi hội thảo hay các chương trình trải nghiệm để có thể đưa ra những thông tin về các ngành học của mình đến với học sinh, để làm cho những sinh viên tương lai ấy quay cuồng không biết đâu mới là ngành mình nên học vì thấy ngành nào cũng hay, cũng tốt. Chọn được ngành học trong nước khó bao nhiêu thì chọn ngành để đi du học cũng chẳng khó kém cạnh. Làm cách nào để có thể chọn được một ngành học ưng ý cũng như không có nguy cơ thất nghiệp trong tương lai? Hãy cùng The Ivy-league Vietnam điểm qua một số những lưu ý khi chọn ngành để đi du học.

  1. Nghe theo “trái tim mách bảo” liệu có đúng?

Rất nhiều người thường nói rằng hãy chọn nghề mà bạn mong muốn, đừng để xã hội hay những yếu tố bên ngoài tác động đến bạn. Điều này nếu đem ra phân tích thì vừa có cái đúng, vừa có cái sai. Thật vậy, tôi khuyên các bạn nên chọn ngành nào mình thích, mình đam mê bởi như thế sẽ giúp cho việc học của bạn trở nên dễ dàng hơn cũng như làm cho bạn có động lực hơn trong học tập. Hãy thử tưởng tượng xem nếu bạn để một sinh viên đam mê nghiên cứu hóa học sang học một khóa học về tâm lý học, liệu cậu ta có chịu nổi không? Vì thế, đi theo ngành nghề mình yêu thích cũng chính là một chìa khóa để giúp cho bạn thành công.

Nhưng khoan hẵng nghĩ đến sở thích mà hãy cùng phân tích mặt trái của vấn đề. Nếu như bạn thích một nghề nồng nhiệt, thích đến nỗi chẳng thèm nghĩ tới thứ gì khác khi chọn ngành đi du học. Nhưng trong xã hội, nó là một nghề đang thừa nhân lực đến độ để xin được một việc lương thấp đúng với nghề là cả một cuộc chiến thì liệu bạn có còn muốn đam mê nữa hay không? Nỗi lo cơm áo gạo tiền chính là nỗi lo lớn nhất của các bạn trẻ sau khi ra trường, ai cũng muốn kiếm cho mình một công việc phù hợp với ngành mình đã học. Khi nỗi lo ấy lớn dần thì đam mê lúc đó sẽ không còn chỗ để đứng trong trái tim bạn.

Vì thế cách làm thông minh nhất là lập ra một danh sách các ngành nghề mình muốn theo học với thứ tự ưu tiên từ trên xuống dưới, sau đó hãy nghiên cứu kỹ lưỡng từng ngành về chỉ số phát triển, mức độ yêu cầu nhân công, khả năng có việc làm sau khi ra trường… Hãy nghiên cứu tất cả những gì có thể và hỏi những người đã từng học hay những cộng động làm ngành nghề đó để có được lời khuyên tốt nhất. Đừng vội đưa ra kết luận chỉ bằng cảm quan cá nhân, hãy tìm hiểu thật nhiều trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

  1. Đừng chạy theo số đông

Có rất nhiều bạn học sinh khi chọn ngành học có tâm lý chạy theo học những ngành có tỉ lệ người theo học cao ngất ngưởng với tư duy rằng “đông nghĩa là ngành đó tốt”. Ngành đó có nhiều người học không đồng nghĩa với việc bạn sẽ kiếm được một công việc sau khi ra trường. Thị trường việc làm cũng giống như bao món hàng khác, bắt buộc phải tuân theo quy luật cung – cầu: khi cung nhiều hơn cầu thì giá trị của món hàng sẽ giảm. Cứ mỗi năm trôi qua, ngành bạn muốn theo học lại có hàng trăm nghìn hay có lẽ hàng triệu cử nhân được đào tạo ra trường. Nếu ngành mà bạn theo học là các ngành “cung bao nhiêu cũng không đủ” như là Công nghệ thông tin, An ninh mạng, Khoa học máy tính hay các ngành công nghệ cao… thì đó là một lựa chọn khôn ngoan, nhưng nếu ngành bạn học là một ngành rất nhiều người lao vào nhưng lại sắp bão hòa thì đừng vội đi theo đám đông. Cách đây 10 năm, ở Việt Nam, ngành ngân hàng là một ngành mà không biết bao nhiêu bạn trẻ “bán sống bán chết” lao vào học để mong sau này có được một công việc tốt. Điều đó dẫn tới hậu quả tất yếu: thị trường lao động ngành ngân hàng ngày càng khép lại, sự yêu cầu về nguồn nhân lực cũng dần ít đi.  

Lựa chọn khôn ngoan đôi khi không phải là lựa chọn của đám đông, bạn hãy suy nghĩ cũng như tìm hiểu thật kỹ về yêu cầu nguồn nhân lực của ngành bạn muốn học, nhưng không phải ở hiện tại mà là sau khi bạn ra trường, để có thể đưa ra quyết định đúng đắn nhất. Có rất nhiều các số liệu dự đoán của các tổ chức khác nhau mà bạn có thể dựa vào đó để tham khảo.

  1. Thị trường lao động

Trước khi đăng ký ngành du học, hãy xác định rõ rằng sau khi ra trường bạn sẽ làm việc ở đâu? Tại đất nước mình theo học hay sẽ trở về nước? Mỗi đất nước khác nhau thì lại có những yêu cầu nguồn nhân lực khác nhau  trong các ngành nghề, vì thế bạn phải xác định thật kỹ môi trường lao động sau khi ra trường để có thể chọn được ngành phù hợp. Theo số liệu của Higher Education Statistics Agency (HESA) năm 2014-2015 thì có tới 94,4% những người có bằng cấp liên quan đến ngành Giáo dục tìm được việc hoặc học cao hơn ngay khi rời giảng đường. Thật vậy, ở Việt Nam hàng năm lại gia tăng thêm hàng chục nghìn cử nhân giáo dục thất nghiệp. Như vậy có thể thấy thị trường lao động ở Việt Nam trong ngành giáo dục không tương xứng với thế giới. Đây chỉ là một ví dụ rất nhỏ để bạn có thể thấy được sự khác biệt về yêu cầu nguồn nhân công trong các ngành của các thị trường lao động khác nhau là rất lớn.

Việc kiên quyết bạn cần phải làm là xác định rõ được thị trường lao động mà mình hướng tới sau khi ra trường, điều đó cũng sẽ giúp bạn chọn được ngành phù hợp trong những ngành mà mình yêu thích.

  1. Miễn là xuất ngoại, học ngành gì không quan trọng

Rất nhiều bạn học sinh lên kế hoạch cụ thể chi tiết sẽ chơi gì, đi đâu khi du học nhưng lại quên mất rằng mình phải học gì. Vì những suy nghĩ đó mà sau khi đặt chân đến nước khác, việc học của những sinh viên đó trở nên sa sút, không còn hứng thú với ngành học của mình và việc du học trở thành vô ích là điều khó tránh khỏi.

Vì thế, tôi khuyên các bạn nên tuyệt đối dập tắt ngay tư tưởng “Du học là đi chơi” trong đầu mình mà phải xác định rõ được mục tiêu chính khi xuất ngoại là để có được một môi trường đào tạo tốt hơn, tiếp thu những kiến thức mà Việt Nam không có để sau này có được một ngành nghề đúng như mong muốn.

Hãy ngồi xuống, dẹp hết những ý tưởng về những địa điểm đi chơi, những hoạt động mình sẽ làm, những nơi mình sẽ đến và nghiên cứu, tìm hiểu về những ngành mà mình nên theo học.

Kết: Mong rằng những chia sẻ trên đây sẽ phần nào giúp được các bạn sẽ chọn được ngành du học phù hợp với mình.

Leave a Reply