10 lời khuyên cho các em chuẩn bị du học Mỹ (1-5)
10 LỜI KHUYÊN CHO CÁC EM CHUẨN BỊ DU HỌC MỸ
5 Lời khuyên đầu tiên…
Du học là niềm mơ ước của biết bao bạn trẻ Việt Nam. Cái cảm giác được sống và học tập ở một nước phát triển, được tiếp xúc, giao thoa với các nền văn hóa, được cọ sát với nhiều trí tuệ khác biệt, được học những giáo sư hàng đầu thế giới thật là tuyệt vời và là một trải nghiệm đáng nhớ trong cuộc đời mỗi người. Tuy nhiên, tôi biết rằng hai chữ “Du Học” vẫn còn là xa xỉ và đôi khi là không tưởng với biết bao bạn trẻ trên khắp đất nước Việt Nam. Trong bối cảnh đại đa số các gia đình Việt Nam ta còn nghèo, cha mẹ nuôi con ăn no mặc ấm là giỏi, lấy tiền đâu mà cho con du học. Ngay cả ở những thành phố lớn như Hà Nội, HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng và nhiều TP khác nữa, thì vẫn còn nhiều gia đình gặp muôn vàn khó khăn. Du học đã là tốn kém, việc đến các trung tâm tư vấn du học và bỏ một khoản tiền lớn để tư vấn hồ sơ để vào được những trường tốp đầu, những trường danh giá vẫn là một trở ngại với biết bao gia đình, kể cả những gia đình được cho là khá giả. Tôi luôn hiểu điều đó và tôi vẫn luôn tìm kiếm, chia sẻ những gì có ích nhất để các em có thể tự chuẩn bị một bộ hồ sơ cho chính mình không mấy tốn kém. Là một người mày mò du học từ những ngày mà Du Học vẫn còn là những sự lạ lẫm và từng xin học bổng tại rất nhiều trường lớn, nhỏ có cả, tôi rút ra vài lời nhắn nhủ với các em, mong các em mau chóng trưởng thành.
LỜI KHUYÊN THỨ NHẤT: Hãy chọn thời điểm du học thích hợp và không nhất thiết phải du học bằng mọi giá
Có khi nào các em tự hỏi: Du Học có phải là con đường duy nhất để thành công trong cuộc đời này? Có lẽ các em chưa đủ trải nghiệm để tự trả lời câu hỏi này, và kể cả những người có chút trải nghiệm, thì câu hỏi này vẫn là bất định. Tôi xin mạo muội nói thật với các em rằng “Du Học không phải là con đường duy nhất để thành công.” Chúng ta hãy nhìn vào tồn tại đương thời xung quanh chúng ta, có biết bao con người đang làm việc hết mình và thành công rực rõ. Chưa hẳn họ đã là những người có điều kiện học hành hoàn hảo và được du học ngay từ ngày đầu. Chính những con người lăn lộn vất vả ấy lại là những người am hiểu cuộc sống và nhận thức rõ giá trị của học tập. Họ là những người từ bốn phương tới thành phố học tập. Đối với họ, được học tại 1 trường đại học ở Hà Nội đã là một sự ưu ái lớn và sự nỗ lực tối đã của gia đình. Họ đâu có điều kiện du học khi hết cấp III. Nhưng chính sự khó khăn ấy đã làm họ từng trải, vững vàng, rèn nên bản lĩnh con người họ, và họ đã trưởng thành từ khó khăn. Các em cũng vậy, hãy học tập hết mình, và nếu gia đình chưa thể có điều kiện cho các em đi Mỹ học ngay khi tốt nghiệp cấp 3, các em hãy kiên nhẫn, hãy biết chấp nhận và làm tốt thực tại. Các em hãy vào một trường đại học Việt Nam, học hành, tu dưỡng. Kiến thức ở đâu cũng là kiến thức nếu em biết chọn lọc. Thời đại internet đã đem trí tuệ nhân loại đến gần với mỗi chúng ta. Mái trường đại học ở Việt Nam tuy chưa bằng Mỹ hay các nước phương tây khác, nhưng tôi tin rằng nếu biết gạn lọc và học tập, các em vẫn rút ra được phương pháp luận nào đó để tự học. 4 năm ngồi ở mái trường đại học Việt Nam là lúc các em nung nấu ý tưởng (với điều kiện các em phải có ý chí thực hiện ý tưởng) và khi ra trường và đi làm, các em sẽ có những cơ hội, và biết đâu một trong những cơ hội đó là du học. Khi ấy các em sẽ biết mình muốn gì và du học để làm gì, các em sẽ trân trọng từng tháng ngày được sống bên đất nước xa xôi kia. Hãy cứ kiên trì học tiếng Anh và làm tốt những việc của hiện tại, tương lai sẽ trả lời các em xứng đáng nhất.
LỜI KHUYÊN THỨ 2: Hãy tự đọc và tìm hiểu về các trường ở nơi em dự định đến du học và sớm xác định được đam mê của chính mình
Nào, các em là những con người được giáo dục rất cẩn thận. Các em được học tiếng Anh và đang sử dụng tốt ngôn ngữ ấy. Một việc thật đơn giản nhưng hơi tốn kém chút thời gian là các em hãy lên trang US News đọc về các trường đai học ở Mỹ. Nếu các em có điều kiện để đăng ký một tài khoản với giá $30, các em sẽ thỏa sức truy cập và tìm hiểu cặn kẽ từng trường. Từng tiêu chí tuyển sinh như điểm GPA, SAT, TOEFL, hay tỷ lệ chấp nhận của trường đó năm liền kề trước đó là bao nhiêu. Các em hãy đọc về chuyên ngành mà các em đang manh nha nộp hồ sơ, tìm hiểu kỹ về nó. Hãy bắt đầu bằng việc đọc các profile của giáo sư giảng dạy môn ấy, tìm những bài nghiên cứu của giáo sư ấy mà đọc. Thật may măn cho mỗi chúng ta là internet thật rộng lớn và hào phóng. Các em sẽ tìm thấy rất rất nhiều thông tin về chủ đề em muốn tìm tòi. Với mỗi trường các em định nộp hồ sơ, các em hãy đọc về lịch sử thành lập trường, thế mạnh của trường, và những điều mà em yêu thích về trường ấy. Những sự say mê của em về ngôi trường em dự định nộp hồ sơ sẽ là điểm sáng trong bài luận của em. Những người làm tuyển sinh ở Mỹ, họ luôn trân trọng điều này, và như thế sẽ là điểm cộng cho các em. Họ sẽ phát hiện ra đam mê thực sự của các em và nhìn nhận sự chân thành của em qua hồ sơ nộp vào trường, dù sau này em có lựa chọn hay không lựa chọn trường của họ, nhưng việc lựa chọn 1 học sinh hiểu biết về trường mà mình dự định học và 1 học sinh thờ ơ không biết mình muốn gì, họ sẽ chọn các em đấy!
LỜI KHUYÊN THỨ 3: Học trường cấp 3 nào, danh tiếng hay không danh tiếng, chuyên hay không chuyên, không ảnh hưởng tới việc du học của các em
Có một tâm lý chung ở Hà Nội nói riêng và nhiều nơi khác ở Việt Nam nói chung là các con mình phải vào trưởng điểm, trường chuyên lớp chọn thì mới có cơ hội xin học bổng du học. Không phải thế đâu. Càng học trường làng nhỏ bé, càng điều kiện khó khăn và vươn lên sáng chói, thì cơ hội xin học bổng của các em càng cao. Nhưng Việt Nam còn nghèo quá, các em học ở góc nào xa xôi kia của đất nước thì làm sao có điều kiện học tiếng Anh, làm sao có điều kiện học SAT rồi học writing để ngày mai du học. Đó là cái khó và là điều tôi luôn trăn trở. Nhưng với các em ở Hà Nội và HCM, tôi khuyên chân thành: nếu các em có ý định du học thì hãy có chiến lược cho mình. Không cần cứ phải lao vào các trường chuyên lớp chọn, để đấu đá, để vào tuyển quốc gia, mất thời gian vô ích. Ngày nay, việc các em được giải quốc gia hay giải nọ kia cũng chỉ làm cho hồ sơ thêm đẹp chút ít, chứ không phải là điều kiện đủ để các em được học bổng đâu nhé. MIT coi Huy Chương Vàng Toán Quốc Tế chả vào đâu, còn Harvard thì cười tủm tỉm “thằng đấy cũng thường thôi.” Nhiều khi tôi nói đùa với học sinh rằng “nếu các em dám về một huyện miền núi xa xôi, vừa học vừa dạy các em nhỏ ở đấy, làm nên cả một phong trào học sinh về miền núi dạy học, thì câu chuyện của các em sẽ li kỳ hấp dẫn vô cùng, và bao trường danh tiếng sẽ mở rộng cánh cửa đón nhận các em vì giá trị nhân văn của chính con người các em đấy.” Nhưng mấy ai làm được điều tôi nói. Tóm lại là thế này, học ở đâu cũng được miễn là Toán, Tiếng Anh và một môn khoa học hoặc văn học phải thực sự giỏi để đi thi đấu SAT, Subject SAT thì mới xin học bổng được. Cái “name” của trường nọ, trường kia không phải là tấm hộ chiếu để đưa các em lên bất kỳ chiếc Boeing nào đâu. Cái thực chất của con người các em thể hiện qua thành tích học tập, sự đóng góp cộng đồng, và điểm thi SAT, TOEFL hay IELTS ở mức chấp nhận được mới là yếu tố quyết định sự thành bại của các em…
LỜI KHUYÊN THỨ 4: Không phải cứ điểm cao vời vợi mới xin được học bổng mà cần đến X-Factor
Ai cũng tin rằng học thật giỏi, điểm thật cao thì mới xin được học bổng du học. Điều này là đúng, nhưng chưa đủ. Ai cũng giỏi và điểm cao thì những người bình thường và điểm thấp hơn thì sao? Họ không thể xin học bổng và du học à? Không hẳn là thế đâu nhé. Điểm cao và học giỏi chỉ là 1 trong những yếu tố quan trọng quyết định việc các em có được trường nhận và cấp học bổng thôi. Có rất nhiều em quá tự tin vào hồ sơ của mình đến nỗi các em sốc khi bị hàng loạt trường từ chối nhận, chưa nói gì tới học bổng. Lý do là vì sao thế? đơn giản là vì có quá nhiều em học xuất sắc từ khắp nơi gửi hồ sơ về, và nếu chỉ học giỏi và điểm cao thì các trường có thừa rồi. Vậy các trường tìm nhân tố X (X-Factor) nào đây? X-Factor nhiều khi lại không nằm ở điểm cao và học giỏi, mà nằm ở tài năng và tiềm năng. Có nhiều em vào Harvard hay MIT chỉ bằng tài năng thể thao vì mấy trường cần người chơi thể thao giỏi để đi thi đấu khắp nơi. Có nhiều em được Harvard nhận vào vì hoàn cảnh quá đặc biệt và một bài Personal Statement quá cảm động. Sự đặc biệt của con người các em chính là X-Factor, được sinh ra và hun đúc từ hoàn cảnh sống, từ bối cảnh lịch sử, từ gia đình, từ sắc tộc và nhiều thứ khác nữa. Có em học sinh người Ấn Độ vào Harvard với GPA chưa đầy 2.5. Hay Harvard nhận những học sinh từ Châu Phi với học lực rất thấp. Họ làm thế làm gì? là để họ đảm bảo tính đa dạng trong dân số của trường (student body diversity). Nếu em là một học sinh đến từ 1 dân tộc thiểu số của Việt Nam, ví như Mường Tè, Thái, Nùng, hay H’Mong, em sẽ có 1 lợi thế đang kinh ngạc trước các bạn dân tộc Kinh được nuôi dạy đầy đủ ở các TP lớn. Thế con các em học sinh không có yếu tố sắc tộc thì sao? Nếu em có 1 tài năng bẩm sinh và phát huy tài năng ấy đến tối đa, thì đó cũng là 1 X-Factor để các trường thu hút. Nào, nhiều cha mẹ phụ huynh nghĩ rằng đầu tư cho con học PIano từ bé sẽ tạo nên X-Factor. Vâng nếu đứa bé ấy đoạt giải HCV Piano thế giới thì đó sẽ là 1 X-Factor đáng nể. Nhưng nếu chỉ học ở mức đánh được Piano mà thôi thì đối với người Mỹ chả có gì là xa lạ cả, vì trẻ con Mỹ đứa nào chả học Piano (tôi nói có phần chủ quan nhưng 80% là đúng thế đấy). Nào, nếu các PH thay vì cho con học Piano mà cho con học một nhạc cụ dân tộc như Đàn Tranh, Đàn Tỳ Bà, Đàn Đá… và thực sự am hiểu về âm nhạc cổ truyền dân tộc, thì lại quá nổi bật trong hàng ngàn hồ sơ Piano kia. Với một hồ sơ như thế, các trường của Mỹ sẽ vô cùng thích thú với em bé biết “ôm đàn Tỳ Bà che nửa khuôn mặt” nhé….
LỜI KHUYÊN SỐ 5: Khai hồ sơ tài chính như thế nào?
Có rất nhiều vấn đề về kê khai tài chính các em cần lưu ý. Thứ nhất là form CSS thiết kế theo luật Mỹ nên mọi câu hỏi đều kiểu Mỹ rất khó chịu vì no chả tương thích gì với Việt Nam ta cả. Nói thế hơi quá nhưng đúng là thế. Thứ nữa, mọi con số trong kê khai tài chính có cần phải xác thực như thực tế hoàn cảnh gia đình hay không? số tiền nên nộp cho trường là bao nhiêu thì sẽ là vừa đủ? có cần xác nhận lương và xác nhận thuế hay không? nộp hồ sơ tài chính rồi thì có thể thay đổi hay không và muốn thay đổi thì làm như thế nào? hàng chục câu hỏi như thế sẽ đòi hỏi các em phải lưu ý khi kê khai tài chính. Tôi nói thật là nếu như đối với học sinh Mỹ thì kê khai tài chính là vô cùng quan trọng, đòi hỏi sự trung thực và chính xác đến tỉ mỉ vì mọi chi tiêu, thuế và thu nhập ở Mỹ đều có lưu hồ sơ cả, anh không thể làm bậy được. Vớ vẩn là bị loại ngay nếu anh có biểu hiện gian dối. Còn với các nước đang phát triển hệ thống xập xí xập ngầu như ở Việt Nam hay Trung Quốc thì kê khai tài chính là một thứ rởm đời nhất trong hồ sơ du học. Tôi nói thế để các phụ huynh và các em thấy rõ hơn về thủ tục này, mặc dù đây là một trong những căn cứ mà các trường ở Mỹ cấp và xét học bổng. Ở Việt Nam nào ai biết ai thu nhập bao nhiêu. Anh làm công chức lương chưa đến 10 triệu một tháng nhưng anh lại ở nhà 20 tỷ, đi xe 10 tỷ (Lexus). Nhưng khi kê khai tài chính thì ai lại đi khai mình có nhiều tiền thế. Nhà nào cũng khai mình chỉ có thu nhập 2 vợ chồng chưa quá 10 ngàn đô la một năm thôi. Trong phần chi tiêu của gia đình thì tiền ăn, tiền ở, tiền điện, tiền nước, tiền chữa bệnh, tiền đi nghỉ mát… đủ thứ tiền đã chiếm đến 3/4 số kê khai rồi, thế thì anh lấy đâu ra tiết kiệm 100,000 để cho con ăn học ở Mỹ nhỉ? hay là các con em nhà quan thì sao? tôi nhớ có trường hợp con nhà quan lớn lắm, vào hàng thượng thư nhưng lương của Thương Thư thì cũng chỉ có lương cơ bản nhân hệ số mà thôi, thế là thấp không thể tưởng tượng được. Ngày xưa các trường ở Mỹ còn “sốc” nhưng nay thì họ hiểu cả khi xem hồ sơ của các cháu đến từ Việt Nam và anh láng giếng phương bắc. Họ cũng không soi xét nhiều, đặc biệt là các tài liệu chứng minh tài sản, thuế, và thu nhập. Miễn là sau khi tôi nhận anh thì anh chứng minh cho tôi số dư có đủ để chi trả tiền ăn ở và học phí cho con anh trong 1 năm, sang năm tôi lại tính sổ tiếp với anh. Về số tiền nộp cho trường thì các gia đình liệu cơm mà gắp mắm. Nếu sẵn sàng nộp tiền cao cho trường thì trường nào cũng nhận tuốt, trừ các trường IVY và các trường top 20, vì họ có quá nhiều nhà giầu từ TQ, HQ và các nước khác đang chờ sẵn ở cửa. Thi thoảng ném vài học bổng kếch xù để khích lệ các nước nghèo như VN mà thôi. Mức an toàn thì khó để nói, nhưng nếu các em để mức 20-25k/năm thì nhiều trường sẽ cân nhắc chọn các em lắm. Còn để thấp hơn thì hồ sơ phải thực sự xuất sắc. Còn nếu các em đi tới nơi nào đó được tư vấn là để tài chính từ 30-35 ngàn thì tôi khuyên thật là các em nên ở nhà mà tự làm hồ sơ cho đỡ mất tiền và tốn thời gian. Cứ có nhiều tiền là các trường ở Mỹ nhận tuốt. Xét cho cùng thì các trường ở Mỹ cũng phải kinh doanh mà tồn tại. Có điều này nữa tôi muốn khuyên các em. Suy nghĩ chín chắn trước khi ấn nút “sắp mít” vì đã submit rồi thì không thay đổi được đâu nhé, College Board sẽ lưu hồ sơ của các em hàng năm trời trước khi xóa dữ liệu. Nếu các em chơi kiểu mỗi trường kê khai một kiểu thì liệu hồn vì như thế là gian dối. Hay có em cố tình thay đổi hồ sơ tài chính thì sẽ bị chất vấn đủ kiểu. Đã có nhiều trường hợp bị từ chối hàng loạt vì thay đổi hồ sơ tài chính đấy. Bạn nào có kinh nghiệm cay đắng này thì chia sẻ nhé. Bạn nào thoát nạn mà vẫn đi học được thì cũng chia sẻ kinh nghiệm nhé. Các em nhớ là sau khi kê khai hồ sơ tài chính và nộp thì các em sẽ nhận được một email của college board yêu cầu các em nộp các giấy tờ liên quan. Các em nhớ là chúng ta sống ở Việt Nam nên không nộp thuế theo kiểu Mỹ do đó không thể có tax documents kiểu Mỹ để nộp. Tuy nhiên nếu các em kê khai mức phải đóng thuế tại Việt Nam thì chúng ta cần lấy hồ sơ nộp thuế của gia đình để submit. Nếu các em không kê khai thuế thì chúng ta in 2 form trong IDOC ký vào rồi upload lên nhé.
(còn nữa)
P/S: Tôi sẽ chia sẻ dần trong những bài viết tới, các em hãy đón đọc nhé.
Chúc các em ngủ ngon và mơ giấc mơ đẹp!