0247.3030.686 | 091.487.3333
ceo@ivyleaguevietnam.edu.vn

10 Th3 2018

Thép đã tôi thế đấy : kỷ luật thép sẽ làm nên một dân tộc thép

/
Posted By
/
Comments0

THÉP ĐÃ TÔI THẾ ĐẤY: KỶ LUẬT THÉP SẼ LÀM NÊN MỘT DÂN TỘC THÉP

Quốc có quốc pháp, Gia có gia quy!

Tôi đã từng là một cậu bé hư! Tôi đã từng chịu nhiều hình phạt của Thầy Cô chủ nhiệm và Thầy Hiệu Trưởng. Từ bé đi học Tôi đã nổi tiếng nghịch ngợm, nay tắm sông, mai trốn học, ngày kia bỏ quàng khăn đỏ. Nhà trường xây được bức tường nào mới là mấy thằng bọn Tôi có mặt ngay để vẽ bậy hoặc song phi cho đổ tường. Nhà trường cấm đốt pháo thì Tôi ôm cả bánh pháo ra giữa sân trường để đốt trước mặt cả Ban Giám Hiệu. Nói chung, cái thời nhất quỷ nhì mà đó Tôi chả ngán trò nào. Ngày Tôi học cấp II, Thầy Chủ Nhiệm của Tôi nổi tiếng ác. Ngày xưa các Thầy ác là ác thật, chứ không như bây giờ, Thầy có chỉ dám dọa, chứ mấy khi làm thật. Ngày xưa Thầy cầm thước lim dài hàng mét, tiếng là để kẻ bảng vẽ hình cho cân, nhưng thực chất là để thị uy, trấn áp, và sẵn sàng ra đòn hiểm với lũ học trò quỷ. Tôi và bạn Tôi thường xuyên dũng cảm đưa tay đỡ những đòn thước của Thầy nghe đánh “coong” một cái, hôm sau cổ tay thâm tím lại vì đỡ đòn. Vì Tội đốt pháo nên nhà trường dành cho Tôi một loại kỷ luật không khác nào đi trại cải tạo lao động, đó là rèn luyện hè. Thế nào là rèn luyện hè? đó là đi “hót cứt”. Hàng ngày phải đến trường từ sớm để hai tay hai sách nước đi dọn nhà xí, thối hoang thối hủy, tanh mửa, băng vệ sinh, nước đái, phân người hòa chung một nhịp, cùng nhau tạo nên một mùi hôi khẳm. Và những thằng học trò nghịch ngợm, lì lợm thì vào đó mà thử lửa. Tôi cũng nói thật nếu như nói là những hình phạt ấy đã làm Tôi nhớ mãi và sợ hãi không bao giờ dám lặp lại thì có lẽ không đúng vì ngày đó bọn Tôi chả ngán hình thức kỷ luật nào. Kỷ luật xong rồi lại đâu vào đó. Đến cả bị đuổi học 1 tuần Tôi cũng nếm rồi. Nhưng nếu nói những ngày tháng bị kỷ luật đó không làm Tôi biến đổi thì quả là phụ công Thầy Cô. Tôi đã thay đổi từ năm lớp 12 và trở thành một học sinh chăm ngoan rồi ham học. Và Tôi đã vinh dự được rèn luyện như thế để rồi có ngày hôm nay học hành nên người.

Có vài câu hỏi thật đơn giản thế này mà đã làm Tôi suy nghĩ mấy hôm, đó là: Có cần kỷ luật học đường không? và kỷ luật đến đâu là đủ? ranh giới giữa kỷ luật và trừng phạt đôi khi có mờ nhạt hay không?

Có cần Kỷ Luật Học Đường không?

Trước hết chúng ta hay cùng nhau tìm hiểu Kỷ Luật Học Đường là gì?

Kỷ Luật Học Đường (KLHĐ) là tập hợp các hành động bắt buộc mà người giáo viên phải thực hiện đối với một học sinh nếu hành vi của học sinh đó làm gián đoạn hoạt động học tập thường xuyên của nhà trường hay làm phá vỡ một nguyên tắc đã được định trước mà nhà trường đó đưa ra. Kỷ luật giúp định hướng hành vi của trẻ hoặc đặt ra những giới hạn giúp trẻ học cách biết chăm sóc chính bản thân mình, những người khác và cả thế giới xung quanh. Nhà trường có quyền, trong giới hạn pháp luật cho phép, đặt ra những quy định mà nếu học sinh nào vi phạm những quy định đó thì sẽ bị áp dụng hình thức kỷ luật tương ứng. Những quy định của nhà trường có thể về trang phục, về thời gian biểu, về hoàn thành bài tập được giao, về chuẩn mực ứng xử xã hội trong phạm vi nhà trường hoặc là về đạo đức học tập. Mục đích của kỷ luật là nhằm đặt ra những giới hạn nhằm điều chỉnh hay hạn chế hành vi hay thái độ của trẻ được cho là có tác động tiêu cực hoặc đi ngược lại với chính sách , với chuẩn mực giáo dục, và với truyền thống bấy lâu của nhà trường. Có lẽ vì cái từ “Kỷ Luật” luôn có nghĩa biểu cảm không tốt vì khi nghe tới kỷ luật là chúng ta thường liên tưởng tới những gì hà khắc nhất sẽ xảy ra với con cái chúng ta vì thế thật dễ hiểu khi chúng ta bậc làm cha làm mẹ có thể có phản ứng với những hình thức kỷ luật dị biệt của từng môi trường giáo dục khác nhau. Kỷ Luật Học Đường tồn tại như một sự răn đe ở khắp mọi nơi trên thế giới này. Nếu như chúng ta coi nhà trường là một môi trường xã hội thu nhỏ thì các quy định của nhà trường chính là luật, nhiều nước gọi là Bộ Quy Tắc Ứng Xử Học Đường (School Code of Conduct), thì kỷ luật chính là sự thực thi của những quy tắc ứng xử định trước đó mà thôi. Nhìn rộng ra một quốc gia, một dân tộc, thì Luật chính là những quy tắc ứng xử còn hình phạt theo luật định chính là những biện pháp kỷ luật nhằm răn đe những hành vi gây hại cho xã hội, hành vi đi ngược lại với giá trị chung của xã hội. Như vậy, Kỷ Luật Học Đường là cần thiết và xét cho cùng thì KLHĐ cũng là để rèn nhân cách, đạo đức, lối sống và quan trọng nhất là một nề nếp thượng tôn pháp luật, bên cạnh kiến thức học thuật, mà những nước đang phát triển như Việt Nam chúng la lại càng cần phải có để xây dựng một thế hệ tương lai sống tuân thủ pháp luật, thượng tôn pháp luật.

Kỷ luật đến đâu là đủ?

Câu hỏi này không dễ trả lời. Mỗi ngôi trường, mỗi vùng miền, mỗi quốc gia lại đề cao KLHĐ một cách khác nhau. Nhưng phải nói chung rằng dù đó là nền văn hóa nào, phương đông hay phương tây, nền tôn giáo nào: đạo khổng, đạo thiên chúa, hay đạo hồi, thì KLHĐ luôn được xem trọng vì rèn trẻ ngày nay chính là rèn ra một xã hội tương lai.

Nào, để trả lời câu hỏi này ở đất nước chúng ta, ở vùng chúng ta, ở thành phố chúng ta, hay ở mái trường mà con em chúng ta đang học, Tôi muốn cùng với bạn đọc xem xét vài hình thức kỷ luật phổ biến trên thế giới. Từ lâu nay lịch sử loài người tồn vài mấy hình thức KLHĐ chủ yếu, như là Giam Giữ, Tư Vấn Tâm Lý, Đình Chỉ Học Tập, Hình Phạt Cơ Thể (mà Việt Nam gọi là Đánh), và Đuổi Học. Tùy vào mức độ nặng nhẹ khác nhau mà học sinh có hành vi vi phạm phải chịu từng hình phạt cụ thể. Tôi phải nói là những hình phạt này là rất phổ biến ở các nước: Anh, Mỹ, Singapore, New Zealand, Australia, Canada…. Ví dụ như ở Mỹ, một học sinh có thể phải chịu hình phạt bị nhốt vào một căn phòng nhỏ để suy ngẫm về hành vi của mình vào một thời gian nhất định mỗi ngày, thường là vào giờ ra chơi hay giờ ăn trưa. Ở Mỹ, một đất nước mà chúng ta coi là văn minh và có nền giáo dục hiện đại, thì nhiều bang vẫn cho phép áp dụng biện pháp Hình Phạt Cơ Thể, nghĩa là thầy cô giáo vẫn được quyền đánh học sinh. Tôi muốn nói thêm là Hình Phạt Cơ Thể (Corporal Punishment) đã bị cấm từ lâu ở nhiều nước, nhưng có đến 19 tiểu bang ở Mỹ vẫn cho phép áp dụng hình phạt này. Thầy giáo ở những bang này được phép tự quyền áp dụng hình phạt kỷ luật mà mình cho là thích hợp và khi nào thì áp dụng những hình phạt ấy. Nhiều đứa trẻ ở Mỹ đã phát khiếp khi phải hứng chịu những trận đòn của thầy cô giáo. Một hình phạt nhục hình đó là Paddling (dùng một cây dùi bằng gỗ dẹt để đánh vào mông đứa trẻ) vẫn còn được áp dụng tại ngay cả những bang mà Hình Phạt Cơ Thể đã bị cấm.

Nào chúng ta hay nhìn xa rồi lại nhìn gần, nhìn sang hàng xóm Đông Nam Ấ của chúng ta là Singapore, một đất nước nhỏ bé nhưng nổi tiếng với nền giáo dục tiên tiến vào loại nhất ĐNA xem KLHĐ ở đây có hà khắc không nhé. Tôi nói thật ngoài những yếu tô giúp nền giáo dục Singapore phát triển như sự kết hợp nhuần nhuyện giáo dục phươnng đông và phương tây, xây dựng một chế độ giảng dạy, mô hình sư phạm thiên về truyền đạt kiến thức nọ kia, thì KLHĐ chính là một yếu tố quan trọng giúp Singapore rèn luyện nhân cách con người mang bản sắc Singapore. Nào, Tôi xin chia sẻ những gì Tôi biết về Kỷ Luật Học Đường tại Singapore. Tại Singapore, nhà trường được pháp luật cho phép toàn quyền ban hành các hình thức kỷ luật hợp pháp với học sinh. Một đứa trẻ học lớp 3 ở Singapore có thể phải đứng đọc bài ngoài cửa lớp 15 phút mỗi ngày trong vòng 3 tháng chỉ vì quá mật trật tự trong lớp. Một đứa trẻ khác bị thu điện thoại 3 tháng vì suốt ngày chát chít và chơi game trong lớp. Thậm chí gần đây, Bộ Giáo Dục Singapore còn kêu gọi các trường học từ tiểu học tới trung học phải tăng cường các biện pháp kỷ luật học sinh vì tình trạng học sinh hư đốn ngày càng gia tăng. Tôi lấy vài ví dụ về
những hành vi sẽ bị áp dụng KLHĐ như sau:

Chuyên cần:

1. Ra khỏi khuôn viên nhà trường mà không có sự cho phép
2. Trốn khỏi bất kỳ hoạt động/sự kiện nào của nhà trường
3. Cố tình vắng mặt (thể hiện sự chống đối hay thái độ tồi)
4. Đến học muộn
5. Ăn trong giờ học
6. Ăn bên ngoài Canteen

Hành vi không phù hợp
1. Nộp bài muộn
2. Tái phạm lỗi đã được nhắc nhở
3. Sử dụng điện thoại trong lớp
4. Đeo nhầm phù hiệu tên
5. Quay cóp bài
6. Đạo văn
7. Giả mạo giấy tờ
8. Tự ý sửa điểm bài thi
9. Có thái độ chống đối
10. Đe đọa bạn học dưới mọi hình thức (kể cả qua mạng xã hội)
11. Viết facebook chửi bới, nhạo báng

Còn nhiều lắm, nhưng Tôi chỉ xin liệt kê vài hành vi để chúng ta cùng làm phép so sánh đối chiếu. Singapore cũng phức tạp lắm dù dân số chỉ bằng một nửa Hà Nội. Các con em bạn bè tôi học ở trường Singapore thì đều nói rằng kỷ luật vô cùng hà khắc, mấy trường ở Việt Nam ăn thua gì. Học ở Singapore mà không hoàn thành bài tập, không tuân thủ nội quy nhà trường, không đúng giờ giấc, không trả bài đúng hạn thì không sớm thì muộn cũng bị đuổi học. Mội trường học hà khắc là thế nên học sinh ở đây học hành nề nếp vô cùng. Các bạn sẽ đặt câu hỏi: vậy với kỷ luật thép như vậy thì phản ứng của phụ huynh ở Singapore hay ở Mỹ như thế nào? Tôi xin chia sẻ thêm rằng phụ huynh ở đâu cũng xót xa con cái, nhiều phụ huynh ở những nước này đã đâm đơn kiện giáo viên, kiện hiệu trưởng, kiện cả ban giám hiệu vì đã kỷ luật con họ. Điển hình như vụ thu điện thoại 3 tháng ở Singapore, phụ huynh kiện đòi điện thoại, nhưng nhà trường nhất quyết thi hành kỷ luật. Phải nói thêm là Chính Phủ Singapore thống nhất cho phép các trường áp dụng biện pháp kỷ luật hà khắc với học sinh, miễn là hình phạt ấy hợp pháp và có tính giáo dục đối với đứa trẻ. Nhờ có sự bảo trợ như vậy, nên các trường ở Singapore đều nghiêm khắc, nên cho dù anh có không hài lòng với chính sách của trường này thì khi chuyển con sang trường khác thì đứa trẻ ấy lại càng bị giám sát chặt hơn, chứ không phải như ở một số nước, không học trường này vì kỷ luật hà khắc quá thì ta chuyển con sang trường khác là được ngay. Quan niệm của người Singapore là đất nước họ nhỏ bé nên phải có kỷ luật thép và chỉ như thế mới tạo ra những con người thép và từ đó xây nên một đất nước thép để còn tồn tại trong một thế giới đầy biến động phức tạp như ngày nay.

Kỷ luật chỉ được coi là đủ khi biện pháp kỷ luật thực sự thay đổi hành vi của đứa trẻ, làm cho trẻ nhận thức được hành vi và thái độ chưa phù hợp của mình đối với nhà trường, đối với ý thức học tập và thái độ ứng xử, cung cách giao tiếp, ăn mặc… Nếu đứa trẻ ấy tiếp tục tái phạm mặc dù đã bị kỷ luật vài ngày trước đó, thì lại phải tiếp tục áp dụng các hình thức kỷ luật tương ứng. Kỷ Luật, Kỷ Luật, và Kỷ Luật. Một mái trường vô kỷ luật là một mái trường hỏng. Một mái trường có kỷ luật nhưng thực hiện không nghiêm kỷ luật mà mình đã đề ra là một mái trường hời hợt. Đối với những loại trường này thì các phụ huynh không nên gửi con đến. Cha ông ta có câu “Tiên Học Lễ, Hậu Học Văn”. Từ ngàn xưa, Kỷ Luật đã được đặt cao hơn chữ nghĩa. Nếu một đứa trẻ mà không biết lễ nghĩa thì học một đống chữ nghĩa cũng vứt đi mà thôi, nếu có sử dụng chúng sau này thì cũng là một con người vô tổ chức, nói bậy, làm càn, coi thường pháp luật, cuối cùng thì cũng sẽ vi phạm pháp luật và bị pháp luật trừng phạt. Kỷ luật ngày nay nghiêm khắc là đề ngày mai chúng ta có một xã hội nghiêm túc, thượng tôn pháp luật.

Kỷ luật và trừng phạt: ranh giới quá mong manh chăng?

Có lẽ không ai phân biệt được rõ ràng sự khác nhau giữa kỷ luật và trừng phạt vì trong khi áp dụng biện pháp kỷ luật thì dù nói thế nào đi chăng nữa thì tính chất của kỷ luật vẫn là trừng phạt mà thôi. Ví dụ nếu chúng ta bắt trẻ phải đứng úp mặt vào tường cả một tiết học trước cả lớp, chân trẻ mỏi nhừ, mồ hôi vã ra, miệng đắng lại thì có lẽ là chúng ta đang trừng phạt trẻ hơn là kỷ luật. Nhưng nếu chúng ta dùng biện pháp văn minh hơn chút là bắt trẻ ngồi một mình trong căn phòng kín, trước mặt là cuốn sách và những bài tập dang dở buộc trẻ phải hoàn thành rồi mới được tiếp tục vào lớp học thì có thể phát huy hiệu quả tốt hơn. Trẻ phạm tội nào, trừng phạt tội đó, không áp dụng kỷ luật bừa bãi, bạ đâu kỷ luật đó thì mới gọi là kỷ luật và có như thế KLHĐ mới thực sự phát huy hiệu quả giáo dục nhân văn của nó. Còn nếu chúng ta lạm dụng KLHĐ để đe đọa, trừng phạt thì có lẽ sẽ hằn nên sự thù hận, sự khiếp nhược, và dần dần là sự bất phục rồi cao hơn nữa là trẻ đã trơ ra thì lúc đó không còn dạy được trẻ nữa. Như vậy mục đích cao cả nhất của KLHĐ đã bị thất bại. Nhưng chúng ta nói với nhau thì dễ bẻ ngọn ngành rành rọt, nhưng nếu chúng ta hãy đặt địa vị chúng ta vào vị trí của những nhà giáo dục, những người hiệu trưởng, những cô chủ nhiệm, những người mà một lúc phải xử lý hàng mấy nghìn con người, phải đảm bảo cương thường của cả một mái trường lớn thì chúng ta mới hiểu KLHĐ quan trọng đến mức nào. Dù sao thì tính răn đe của những hình thức kỷ luật vẫn có tác dụng lớn với trẻ, trẻ vẫn biết sợ trước khi trở nên chai lì (phải những đứa trẻ thực sự cá biệt mới có thể chai lì trước khuôn phép). Do đó, cá nhân Tôi tin rằng việc áp dụng KLHĐ một cách văn minh sẽ phát huy tôi đã tính răn đe, giáo huấn của KLHĐ. Người áp dụng trực tiếp vẫn giữ một thái độ chuyên nghiệp nhất, và chính người ấy phải là người gương mẫu nhất, nghĩa là chính mình phải tự đặt kỷ luật cho mình và tuân thủ nghiêm ngặt trước tiên. Học sinh không được đi muộn thì Thầy Cô cũng không được đi muộn. Học sinh không được nhuộm tóc highlight thì Thầy Côl cũng phải thế. Chứ không phải là tôi dạy anh thế để anh làm thế chứ tôi không làm đâu. Thế là không được. Người đó cũng phải là người phải nói cho trẻ hiểu rằng hành vì đó của trẻ là xứng đang phải chịu hình phạt tương ứng này của nhà trường, và đứa trẻ ấy phải sửa chữa. Người áp dụng KLHĐ trước hết phải nghiêm khắc với chính bản thân mình, không được dung thứ cho bất kỳ hành vi nào dù hành vi đó được gây ra bởi chính người nhà, con em mình. Tôi có nghe nói có nhiều trường hợp KLHĐ áp dụng rất hà khắc với toàn thể học sinh, nhưng riêng con em mình thì lại để nhâng nhâng nháo nháo vi phạm các quy định, chính sách, truyền thống của chính nhà trường mà cha ông mình gây dựng. Như thế việc áp dụng KLHĐ chung cho các học sinh khác sẽ gây nên sự đố kỵ và bất phục trong chính tâm hồn ngây thơ chưa nhiều phán xét của trẻ.

Tôi cũng nói thêm rằng giáo dục mang tính nhân văn cao nhất vì giáo dục là vừa nuôi dưỡng và vừa dạy dỗ một đứa trẻ nên người, và trong quá trình dài ấy, sự gần gũi, am hiểu, chia sẻ với từng đứa trẻ để khuyên nhủ, đặc biệt với những đứa trẻ mà mọi hình thức kỷ luật đều là vô nghĩa. Cuối cùng điều chúng ta cần vẫn là biện pháp giáo dục cao nhất, nhăn văn nhất. Giáo dục không phải là cứ học sinh hư, học sinh lười là đuổi, mà đuổi học là xong đâu, đứa trẻ ấy sẽ đi đâu và về đâu. Nếu đi sang ngôi trường khác mà vẫn hư đốn để rồi trở thành một công dân tồi, hãy nói cho cùng khi chúng ta dạy không nổi và rèn không nổi một đứa trẻ nên người thì toàn thể xã hội thất bại chứ không chỉ là thất bại của riêng ai.

Vài lời kết

Tôi luôn thượng tôn Kỷ Luật Học Đường. Tôi luôn tâm niệm rằng chỉ có tôi luyện một đứa trẻ trong môi trường có kỷ luật nghiêm khắc thì mới có được một sản phẩm nghiêm túc. Và khi cả xã hội đều được rèn luyện như vậy thì xã hội ấy sẽ trở thành một xã hội nghiêm túc, thượng tôn Kỷ Luật Học Đường ngày nay chính là chúng ta đang tạo nền tảng cho sự thương tôn pháp luật của ngày mai. Kỷ luật không có mắt cũng giống như pháp luật không có tình, đã áp dụng là trừng phạt, là răn đe, nhưng Kỷ Luật xét cho cùng cũng là do con người tao rạ cho nên con người có thể tùy cơ mà áp dụng, không kỷ luật bằng mọi giá, không vì kỷ luật mà dồn một đứa trẻ vào chân tường, không vì sự vô tình của các nguyên tắc kỷ luật mà làm thui chột cả một tuổi thơ tươi đẹp của một đứa trẻ. Đây chính là cái khó của Kỷ Luật Học Đường vì đã kỷ luật là kỷ luật, chứ không có kiểu vừa đánh vừa nương tay, hay kiểu giơ cao đánh khẽ, mà chúng ta cần biết đánh đến đâu là đủ, kéo đến đâu là vừa để đứa trẻ nhận ra và điều chỉnh hành vi của mình.

KỶ LUẬT THÉP CHÍNH LÀ ĐANG TÔI THÉP, TÔI ĐẾN ĐÂU LÀ ĐỦ ĐỂ TẠO RA CON NGƯỜI THÉP MÀ KHÔNG BỊ QUÁ CỨNG NHẮC HAY QUÁ MÈM YẾU, TỪ ĐÓ TẠO RA MỘT XÃ HỘI THÉP, VÀ CHỈ CÓ XÃ HỘI VỚI NHỮNG CHỦ NHÂN NHƯ THẾ MỚI THỰC SỰ ĐƯA VIỆT NAM TIẾN LÊN ĐƯỢC…

Tiếng Việt chưa soát lỗi, mong bạn đọc thông cảm.

Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người

Leave a Reply