0247.3030.686 | 091.487.3333
ceo@ivyleaguevietnam.edu.vn

MẸ ĐÃ DẠY TÔI ĐỌC NHƯ THẾ

1 Th12 2017

Mẹ đã dạy tôi đọc như thế

/
Posted By
/
Comments0

Bóng chiếc thoi đưa ánh mắt long lanh.
Trời đất Hà Tây tay em dệt lụa.
Sữa trắng Ba Vì thóc vàng Khu Cháy…
Hồn thơ Nguyễn Trãi, dệt thành vần….

Hôm qua Tôi rất cảm động khi gặp gỡ một người Mẹ hết lòng vì con, lặn lội từ trong Đà Năng ra Hà Nội, không phải vì công to việc lớn gì cả, mà vì là để gặp Tôi. Tôi đã dành cả buổi trưa nói chuyện với chị. Chị hổi tôi lộ trình học tập cho con như thế nào thì phải. Tôi nói hãy cho con học Toán, Khoa Học và Tiếng Anh… nhưng trước hết, hãy rèn cho con một niềm say mê đọc sách… có như thế đứa trẻ mới tự khám phá thế giới và muốn vươn ra thế giới….

Tôi may mắn sinh ra từ một người Mẹ tài sắc vẹn toàn. Ngày xưa, Mẹ tôi không được đi học nhiều, chỉ học hết chương trình phổ thông cơ sở là phải nghỉ ở nhà nuôi tằm dệt vải. Mẹ là cô thợ dệt khéo tay vào bậc nhất trong làng. Vải Mẹ tôi dệt bao giờ cùng mau và đều, mặt vải mịn, không nhiều lỗi chỉ thô sần. Vải dệt xong đem hồ và phơi, rồi gấp lại đem nộp cho hợp tác xã để đổi lấy công quy ra thóc gạo. Làng tôi nổi tiếng với nghề nuôi tăm dệt vải. Con gái từ bé chăm lo học hành, lớn lên dệt vải, quay sợi, hết việc nhà thì lao xuống bãi ven sông Đáy hái dâu về cho tằm ăn. Nuôi hết một lứa tằm thì quay sợi từ kén đêm xuống Hà Đông bán. Mẹ cũng là người gái đảm, tay cấy, tay cày việc nào cũng giỏi. Năm ấy cả huyện thi cấy, Mẹ tôi cấy nhanh nhất, không chăng dây mà vẫn thẳng hàng. Thi cấy ngày xưa vui lắm. Người cấy cứ cúi gập người xuống ruộng, đằng sau là xã đội gõ trống, khua chiếng giục phải nhanh lên cho kịp thửa. Cứ thế cuộc sống trôi đi êm đêm trong một ngôi làng dừa kín phủ bầu trời, không biết run sợ trước tiếng gầm rú của máy bay Mỹ dày xé bầu trời.

Tuy không học cao, nhưng Mẹ tôi hiểu rộng. Từ trẻ đã nổi tiếng sắc sảo, đảm đang. Trai làng theo đuổi cả đám, nhưng Mẹ tôi lại chọn Bố tôi, một anh bộ đội cụ Hồ nhà nghèo. Năm 1973 Bố tôi được về phép vì lúc đó tạm đình chiến sau Hiệp Định Giơ-Ne-Vơ. Bố tôi rón rén xuống hỏi cưới cô bạn học ngày xưa, bị Mẹ làm ngơ. Sắp hết phép, Bố tôi đánh liều nhờ Bác tôi (năm nay Bác đã ngoài 90) xuống dạm hỏi. Ông ngoại tôi gật đầu. Ông tôi là một phú hào thời trước cải cách, rất thương người nghèo. Giầu mà khệnh là ông ghét lắm. Đám cưới tổ chức vào ban đêm. Lại nói về hiểu biết của Mẹ. Mẹ thuộc biết bao ca dao tục ngữ, truyện ngụ ngôn, dân gian. Từ bé tôi chủ yếu sống với Mẹ vì Bố đi công tác xa tháng về một hai lần. Mẹ ngồi bên cạnh chiếc máy khâu Singer từ 5h sang tới 2h đêm. Ngày nào cũng thế. Nhất là dịp tết đến, Mẹ tôi đêm nào cũng không ngủ. Sáng 5h tôi cũng dậy, lấy chén nước nóng hơ vào mắt cho tỉnh tảo, rồi ngồi đơm khuy áo, kịp giao hàng cho mấy cô bán lẻ đi khắp các chợ quê…

Tôi nhớ mãi cả tuổi thơ ngồi bên cạnh máy khâu của Mẹ. Mẹ tôi bảo, “con đọc hết tờ báo Thiếu Niên Tiền Phong cho Mẹ nghe.” Tôi oằn èo, lười mà! Tôi bảo, “con buồn ngủ lắm rồi. Mẹ kể chuyện ông Huyện về quê đi.” Mẹ tôi bảo, “lười thế thì sau này làm sao con đi khắp thế giới được. Con có biết chú Hải không? Chú ấy đi tàu viễn dương đấy. Đi khắp thế giới. Mẹ muốn sau này con cũng phải học Đại Học Hàng Hải để đi tàu viễn dương.” Lúc ấy đi tàu viễn dương là nhất rồi, vì được đi nước ngoài, lần nào về cũng mang hàng thùng toàn bàn là liên xô, xoong, chảo, cù rìa kền, bao nhiều thứ hay và lạ. Tôi bảo, “con chả thích đi ra biển đâu. Đắm tàu là chết không về được với Mẹ nữa!” Biết không thể ép Tôi đọc báo, Mẹ tôi dụ, “con đọc hết một bài Mẹ cho con một xu đi mua kẹo vừng.” Thế là Tôi sướng như bắt được vàng. Tôi đọc oang oang. Tôi không hiểu gì cả nhưng cứ đọc. Tôi đọc hết Trân Quốc Toản ra quân, rồi đến Hưng Đạo Vương ba lần đánh tan quân nguyên mông. Tôi đọc cả trang xã luận. Đọc đến đâu không hiểu Tôi lại dừng lại hỏi. Có lần Tôi hỏi, “Mẹ ơi, Oa-sing-tơn là gì hả Mẹ. Mẹ tôi bảo đó là thủ đô nước Mỹ!”

Thế là Tôi biết đọc báo và say mê đọc báo từ khi còn rất nhỏ. Đọc không hiểu lắm, nhưng cứ nhìn thấy chữ là mê và đọc. Mùa hè đến, ngoài việc đi nghịch, đấm cái lọ, đá cái chai, thì Tôi mong chờ nhất là bác bưu tá. Cứ 5h chiều là bác lại đi qua giao báo cho nhà tôi. Mẹ tôi đặt báo Nhi Đồng và Thiếu Niên Tiền Phong cho Tôi đọc. Tôi mê nhất là truyện tranh lịch sử về dân tộc Việt. Truyện lạ đó đây. Các bài viết bài trừ mê tín dị đoan trong phần xã luận, và các bài ca ngợi Chủ Nghĩa Xã Hội và phong trào Xô Viết. Tôi không hiểu nhưng đọc thấy hay, và lấy thông tin để đem ra cãi nhau với bọn bà bè xem Liên Xô mạnh hay Mỹ mạnh hơn… Lớn thêm chút nữa, khoảng lên lớp 3, Tôi xin Mẹ tiền mua trọn bộ 10 tập Tây Du Ký. Tôi đọc như ăn phải bùa mê. Thơ văn trong đó thuộc làu làu. Đến chương nào, hồi nào, cũng thuộc hết cả. Có lẽ vốn văn chương của Tôi tích từ ngày đó. Vừa đọc vừa tưởng tượng mien man đến cái con Mỹ Hầu Vương này, sao mà tài tình thế, dám đại náo cả Thiên Cung, đúng là tư tưởng khuấy trời chọc nước. Đàn ông là phải dám đi dám làm! Hồi đó không TV, không điện thoại, không internet… cửa sổ văn hóa chỉ là mấy tờ báo, mấy cuốn truyện. Tôi đọc hết cả Tứ Đại Kỳ Thư của Trung Quốc. Chả còn gì để đọc, lại lấy đem ra đọc lại. Nhà tôi được cái may mắn là có điều kiện để mua TV, nhưng ít khi có điện lắm. Có một lúc lại mất cả ngày. Mẹ tôi cứ mỗi lần đi ra Hà Nội mua hàng, lại khóa trái chị em tôi trong nhà. Để sẵn cái bô và chậu nước, cơm canh sẵn hết, đến chiều Mẹ mới về. Có hôm đến 2h đêm Tôi giật mình thấy tiếng cửa lạch cạch, dụi mắt mới thấy hóa ra là Mẹ. Mẹ bị phòng thuế bắt 12h đêm mới được tha.

Trong căn nhà trống là một chiếc TV. Tôi bật kênh tiếng Nga. Tôi thích các phim của Nga. Các bộ phim về Hồng Quân Liên Xô. Hồi đó kênh Nga xem nét lắm. Tôi không biết tiếng Nga nhưng không hiểu sao lại hiểu hết. Thậm chí còn nói được vài câu tiếng nga. Tôi cứ thầm nghĩ ngày sau này mình phải học giỏi ngoại ngữ để không còn bị lạc long nữa. Bây giờ lớn mới hiểu ra là hóa ra ngôn ngữ thấm đẫm tự nhiên. Cứ nghe nhiều, đọc nhiều, xem nhiều sẽ thấm vào người lúc nào thôi. Mẹ tôi khuyến khích Tôi đọc từ nhỏ, có lẽ Mẹ tôi cũng không mong sau này Tôi đi đây đi đó học hành cao xa, mà bà chỉ nghĩ phải học đọc để thoát nạn mù chữ, để kiếm được miếng cơm cho vào miệng. Ngày nay sách nhiều vô kể, cha mẹ chọn sách gì cho con đọc mới là vấn đề. Cho con xem gì, nghe gì để con tự thấm ngôn ngữ từ bé. Tôi luôn nghĩ trẻ lớn lên cần được sự quan tâm sát sao của cha mẹ mới thành người được. Có lẽ bây giờ các cha mẹ bận quá chăng? Chúng ta có dành thời gian cùng ngồi đọc sách với trẻ. Cùng xem với trẻ một bộ phim. Cùng hòa vào thế giới của lũ trẻ. Tôi cũng thấy nhiều cha mẹ sát sao lắm, hết lòng vì con. Nhưng số ấy vẫn còn quá ít so với đại đa số những cha mẹ bận rộn, hay quá mải niềm vui riêng. Chúng ta có tự tắt facebook của mình đi để ngồi đọc truyện cho con nghe. Đọc tiếng Việt cũng được, đâu cứ cần phải đọc tiếng Anh mới làm nên một con người. Tôi vẫn thích những đứa trẻ vừa giỏi tiếng Anh lại vừa giỏi tiếng Việt, đậm chất dân gian trong hồn. Mẹ tôi dạy tôi ca dao, tục ngữ từ bé. Có lần Mẹ tôi nói, “gớm, Lò Sũ chết còn bó chiếu!” Tôi không hiểu gì liền hỏi lại, nghe Mẹ giải thích xong Tôi ồ lên ngạc nhiên vì hay quá. Lò Sũ bán quan tài, quách tiểu, mà đến khi chết còn kiệt sỉ, cấm vợ con không được hoang phí, chôn mình bằng quan tài, mà bó chiếu thôi cho đỡ tốn kém…

Khôn lớn và trưởng thành nhờ cha mẹ, nhà trường, nhưng cũng nhờ sự đọc… và người Thầy Cô vĩ đại nhất của tuổi thơ đứa trẻ chính là người Cha người Mẹ hàng đêm đọc cùng với con trẻ…

Các Mẹ hãy bắt đầu tìm sách và đọc cùng con nhé…hãy bắt đầu bằng một thư viện nhỏ với những đầu sách về văn học, nghệ thuật, khoa học trong nhà mình….

Vài lời tâm sự với các Mẹ khắp Việt Nam…

Trong hình ảnh có thể có: 3 người, mọi người đang cười, mọi người đang đứng

Leave a Reply