0247.3030.686 | 091.487.3333
ceo@ivyleaguevietnam.edu.vn

26 Th2 2018

Đại học và đại gia

/
Posted By
/
Comments0

Tôi có một cảm giác được củng cố thành quan điểm qua nhiều lần tiếp xúc, nói chuyện với các đồng nghiệp tại các trường đại học, và lắng nghe chia sẻ của các bạn sinh viên. Quan điểm đó là: Nhiều sinh viên Việt Nam đang hôi nôn nóng, sốt ruột về việc học tập trong đại học mà chỉ mơ giấc mơ “đại gia”…Chính vì thế nhiều bạn tỏ ra coi thường việc học, học cho qua quýt, xem nhẹ chữ nghĩa, xem nặng “kim tiền”, coi “kiếm được tiền” ngay và nhanh mới là giỏi, còn học thì “đầu to mắt cận” để làm gì đâu. Tôi nói thế không biết có đúng với số đông không, nhưng có thể đúng với một tỷ lệ nào đó. Với lực lượng sinh viên đông đảo, tôi dám tin rằng tỷ lệ đó, dù thấp, nhân với số lượng lớn sinh viên, sẽ thành một con số không nhỏ. Điều này thực sự cần được phân tích-mổ xẻ…

‘Đại gia’ họ là ai trong xã hội này?

Gần mười năm trở lại đây, xã hội Việt Nam thay đổi đến chóng cả mặt. Đường xá, cầu cống…đến những cao ốc ngợp trời. Nhìn từ trên nóc nhà cao nhất Hà Nội (Lotte) xuống, tôi nhớ lại hơn mười năm trước khi lần đầu tiên sang Hàn Quốc, đứng trên nóc Building 63 nhìn xuống thành phố Seol. Thật đáng mừng cho Việt Nam.
Cùng đó là sự ra đời của một tầng lớp đại gia, đi xe triệu $, ở nhà ngàn tỷ, vùng tiền mua cả đội bóng, thay đổi chân dài như thay bít tất, đầu tư toàn dự án siêu khủng…Tầng lớp ấy thật hào nhoáng và thành công trong mắt nhiều người. Một mặt phải thừa nhận, nhiều người trong số đó làm ăn chân chính, có nền tảng giáo dục tốt (toàn là hàng “thứ dữ” ở Đông Âu về tốt nghiệp tiến sỹ toán học, vật lý…) hoặc mấy đại gia nội thì chí ít cũng tốt nghiệp đai học chính quy đàng hoàng. Nhiều đại gia ‘mới nổi’ kiểu ‘nông dân khởi nghĩa’ học làm sang mãi mà ‘không sang nổi’, làm ăn thì mờ ám…nhưng cũng là hàng ‘hào kiệt’ trong thiên hạ, tạo hàng ngàn công ăn việc làm, sống như vua con trong vương quốc của mình, đi đâu cũng tiền hô hậu ủng, xe dẫn đường, xe đoạn hậu, như Tào Tháo xuất quan, như Triệu Vân lâm trận, thật long trọng. Sự xuất hiện của họ, đời sống riêng chung, những thâm cung bí sự về họ làm thiên hạ đồn đoán, có tác động không nhỏ tới một bộ phận xã hội, trong đó có nhiều sinh viên chúng ta.

 

Sinh viên nghĩ lắm sinh choáng, choáng sinh chán…

Quả thật ngày nay, nhìn chung quanh ta, thấy thật choáng và thật chán. Choáng vì tiền đâu mà đại gia nhiều thế, vung một cái mua lại cổ phiếu niêm yết trên sàng cả 1000 tỷ, liệng một cái cục tiền mở toang cánh cửa công quyền, đi qua rừng luật như chỗ không người, thật uy nghi, thật vũ bão. Chán là vì mình học cái “chữ” nó vừa khó, vừa chậm, vừa nhọc mà lại vừa nghèo. Chán là vì ngó người ngẫm ta thấy sao “thân phận nhỏ nhoi cát bụi”, sống vất vưởng ở cái xó ẩm thấp ở Hà Nội học mãi chả thấy có thành tựu. Chán vì nghĩ cảnh ra trường đồng lương ‘ẩm mốc’, nuôi thân chả đủ nói gì nuôi ‘gấu’…vậy học để mà làm gì, chữ vứt bỏ đấy, kiếm ra đồng nào?

Suy nghĩ như thế không phải không có lý và sẽ được nhiều người chia sẻ. Mục đích cuối cùng của học hành là gì? là kiếm tiền rồi “xõa”? tôi chia sẽ quan điểm này. Ai chả phải kiếm tiền. Lắm chữ mà “cò xỉu” nghĩa là “cò không ngóc lên mà tiến”…tiền không có..thì để làm gì, trong khi xã hội thay đổi đến hoa mặt, chóng mặt. Nhưng tiền kiếm như thế nào và vào thời điểm nào lại là câu chuyện khác. Nguy hiểm với sinh viên là một tâm lý chán nản học tập, nóng vội làm giầu trong khi chưa tích lũy đủ tri thức và kinh nghiệm. Vội vã lao ra đời làm ăn mà không biết rằng mình đang đánh mất đi những năm tháng học tập trưởng thành đẹp nhất, trọng yếu nhất của cuộc đời.

Vậy học để làm gì?

Học để học giỏi ư? chưa chắc. Học để cho xong rồi lấy cái bằng ra trường xin việc ư? cũng chưa chắc đã phải là mục đích của học đâu. Mà tôi nghĩ thế này: học để thành nhân. Cái mục đích cao cả của sự học nó phân biệt người học với người vô học, học sẽ điều chỉnh hành vi của mỗi con người trong tương lai, định vị bản thân mỗi người trong xã hội. Mục đích nhãn tiền của học là để kiếm lấy tầm bằng, xin lấy công việc kiếm cơm qua ngày, rồi lấy ngắn nuôi dài, tiếp tục học cao hơn và có được một công việc và vị trí tốt hơn….

 

Có em sinh viên HVNH nói với tôi, thầy ơi học cho lắm vào rồi ra trường lương 4 triệu, đổ xăng không đủ thì lấy tiền đâu mà xài nữa. Bố mẹ oằn lừng nuôi bao năm dòng dã chả báo được chữ hiếu nào, còn về xin tiền thêm trả tiền nhà. Thế có nhục không! Xin thưa, không nhục. Luyện sống eo hẹp là luyện ý chí năm gai nếm mật, biết mùi hàn vi để biết mùi vinh quang, biết đắng để biết ngọt. Sướng ngay sinh hỏng. Tôi chứng kiến quanh tôi các em ra trường 5 năm làm ngân hàng, lương vẫn 7 triệu, không hơn không kém vẫn mài mặt mà làm. Chị tôi ra trường đã 18 năm, làm ngân hàng hơn 10 năm, lương vẫn 12 triệu. Nhưng ai cũng phải làm…ai cũng phải “sống vì lương”…and vice versa…

Tôi còn nghĩ học để khởi nghiệp thoát khỏi cảnh làm thuê suốt kiếp, trâm luân khổ ải. Học hôm nay là để khởi nghiệp ngày mai. Khi có tri thức cộng với kinh nghiệm những năm tháng đi làm thuê, bạn sẽ khởi tạo sự nghiệp cho riêng mình. Khi ấy bạn sẽ cám ơn những ngày tháng ngồi học, ngồi luyện, ngồi tu ở trường đại học. Bạn tự tin hơn bước vào đàm phán với đối tác vì cái xã hội này khác với xã hội khác ở chỗ cứ chưa tốt nghiệp đại học nào đó thì nó bảo mình ‘thất học’. Cạnh nhà tôi có thằng bé sinh năm 87, tốt nghiệp cấp III là thân đồng máy tính, bỏ qua đại học, nó tuyên bố với bô mẹ nó là nó sẽ trở thành Bill Gate của Việt Nam, bỏ học đại học ở nhà mở công ty luôn, kiếm cả đống tiền. Nay nó là đại gia, đi BMV, nhưng nó vẫn có gì đó tự ti vì ngày xưa không học đại học….

Giờ hãy làm đại gia chữ nghĩa…

Còn non và xanh thì làm được gì? xin thưa với các em, làm được nhiều lắm. Người ta nhiều tiền, thì mình nhiều chữ. Đam mê đọc sách như Khương Tử Nha ngồi câu cá 70 tuổi mới thành Đại Gia cơ mà. Có nhiều sách hay để đọc. Đọc về các ông Bill (Bill Clinton, Bill Gate), đọc về tài phiệt đương đại (George Sorus, Warren Buffet) đọc về các ông công nghệ (Steve Job, Micheal Dell…) đọc về ông trùm bất động sản (Donald Trump)…đọc về các triết gia kinh tế hiện đại…đọc để biết đại gia tầm cỡ quốc tế họ đã trưởng thành thế nào, học ứng xử với thế giới với giáo dục, với chữ nghĩa thế nào…họ không coi “luật là miếng giấy chùi đít” như có ông đại gia ở Việt Nam từng nói với tôi. Họ thượng tôn pháp luật, đóng thuế đầy đủ, trách nhiệm và văn hóa doanh nghiệp ở trình độ cao. Đọc họ để mai lập nghiệp.

Trong trường thì sao? các em hãy trân trọng từng môn học. Có môn chán lắm, lạc hậu lắm, ai cũng hiểu thế, nhưng nó tồn tại là có lý do của nó. Mình học vẫn cứ học. Không xác định tiến xa về học vấn thì học cho qua, điểm trung bình. Còn muốn học lên nữa, thì lo mà học cho đều, cho giỏi để lấy điểm tốt. Dù tốt hay không thì các em sẽ đều phải làm tròn vai, đó là học bằng xong. Còn lại thời gian thì học tiếng Anh. Tiếng Anh giỏi đi đâu xin việc cũng được ưu tiên, làm gì cũng thuận…thế nên học nó đi nhé khi đầu còn trong, mắt còn sáng….

Các em đừng sốt ruột nhé…học đi đã…Chúc các em học tốt.

Leave a Reply