Chọn trường hay chọn đời
CHỌN TRƯỜNG HAY CHỌN ĐỜI
Chuyện nguội rồi lại nóng. Chuyện chưa cũ đã mới.
Học ở đâu, học cái gì và học như thế nào luôn là vấn đề làm đau đầu biết bao phụ huynh học sinh. Cha mẹ thì đau đầu thế, nhưng con cái thì nào đâu có thấu, cứ nhởn nhơ, học chả học, kệ bố mẹ lo, lo được cho nào hay chỗ đó. Bảo chúng thi đâu, chúng thi đấy. Bản thân chả quyết được gì. Thương cho lũ trẻ, tội cho phụ huynh. Nên tôi ngồi viết bài này, ngõ hầu giúp các chị, các mẹ nào đang đau đầu vì trường, điên đầu vì con đọc cho vui nốt ngày nghỉ dài lê thê bất tận của mảnh đất lắm nghỉ nhiều chơi này…
TRƯỜNG LÀNG HAY TRƯỜNG TỈNH?
Nhớ cách đây hơn hai thập kỷ, cái thời mà buffet giáo dục (búp-phê) chưa có, cha mẹ bận làm, bận ăn còn chả đủ tiền “nuôi đủ năm con với một chồng”, con cái học ở đâu thì kệ chúng mày, miễn là mày đi học là tao yên thân, thì chả ai nghỉ lắm đến việc chọn trường. Cứ tốt nghiệp trường làng, rồi ra trường huyện mà học. Đứa nào giỏi lắm thì ra trường chuyên, lớp chọn của tỉnh mà học. Tự thi, tự học, chả ai lo lót thầy, thầy, cô cô gì cả. Cuộc sống thật bình yên và tĩnh tại. Các con lớn khôn, học xong rồi thi đại học. Đứa nào không thi đại học thì đi lính, sợ ghẻ lở hắc lào thì tu dưỡng cho tốt rồi về đi học bổ túc tiếp. Có anh gần nhà tôi, đi lính hai năm, về lại đi học lớp ban đêm, sau đó thi đại học đỗ 5 trường (ngày xưa muốn thi bao nhiều trường thi thi, chả ai cấm). Sau này làm cho bên dầu khí, tiền nhiều như khí. Còn nữa, có anh học trường làng, dốt như bò, thầy giáo tiết nào cũng đánh, thước vụt ngang, thâm cả nửa bàn tay. Cứ vào lớp văn là trêu cô giáo, hết ngồi huýt sáo đến tặc lưỡi kêu như Cuốc Cuốc, cả lớp chả được yên mà học. Cô giáo tức lắm nhưng chả kiếm ra bằng chứng, nên toàn mượn cớ gọi lên bảng không thuộc bài. Kiểu ngày xưa thầy cô ác nhưng có tâm, gọi lên bảng toàn bắt đọc thuộc cả bài Hịch Tướng Sỹ, quên một câu là quên cả đoạn. Cô đày ra góc lớp úp mặt vào tường cả tiết. Sau này cậu ấy nhớ lần thầy đánh mà tu chí học hành, rồi đi du học, cũng làm nên chuyện. Đấy, con người ta thành đạt đâu phải do chọn trường nhỉ? Trong cả triệu phụ huynh, có ai không trải qua những ngày tháng ấy nhỉ? hôm nay, mỗi lần ngồi chọn trường cho con, lại nhắc lại chuyện xưa rằng hồi đó tao đi học đâu có chọn trường, cứ tuyến nào theo tuyến ấy, vẫn thành người, thành danh. Sao bọn bay bây giờ phức tạp thế!
TRƯỜNG CÔNG HAY TRƯỜNG TƯ?
Thế rồi đất nước đổi mới, trường tư mọc lên như nấm, át cả trường công. Giáo dục đổi mới, sản phẩm làm ra rất nhiều. Tưởng thế là yên tâm vì nay không phải chăm chăm thi vào trường công nữa, và có trượt trường công thi sang trường tư mà học, có sao đâu. Không như ngày xưa, thi trượt cấp ba một cái là ở nhà kiếm đôi Xương Sườn Trâu/Bò và đôi Quang Gánh mà đi hót phân trâu, phân bò, hót cho đầy gánh mang về ủ lên men rồi đem bón ruộng. Thế mới có câu “Thanh Niên Cổ Nhuế Xin Thề, Chưa Đầy Hai Sọt Chưa Về Quê Hương”…Học trường công thì thầy cô vẫn kiểu công chức nhà nước, dạy học là ban phát, chứ không kiểu nưng niu học sinh. Mày lười học là tao cho ăn đòn (không đánh như xưa, nhưng kiểu khác thì có). Ở đây đó khắp nơi trên đất nước mình, vẫn còn kiểu “Dậy chả dậy mà toàn dọa”. Học sinh đi học về đêm nằm mơ thấy cô giáo mà ngồi bật dậy khóc thét lên vì lúc chiều đi học bị cô dọa. Nhà tôi có đứa cháu, bị cô chủ nhiệm trù dập cho, không ngóc đầu lên được, làm tinh thần nó hoảng loạn. Bố mẹ ra cãi nhau với cô giáo mấy lần mà chả ăn thua. Áp lực học hành thi cử ở trường công thì thôi rồi, vẫn cảnh con em mình đi học thêm mướt mồ hôi hột, mà phải học ở nhà cô giáo dạy văn, thầy giáo dạy toán, lý hóa cơ, chứ học chỗ khác mà cô biết được thì có mà ăn “trù”…Ngày lễ ngày tết thì cô ngồi đó mà nhận “Sầu Tím Thiếp Hồng”, ngập cả nhà, nghĩ làm thầy làm cô thế cũng sướng, và được ăn vừa được nói lại được gói mua chung cư cao cấp.
Nhiều cha mẹ học sinh ngày nay chán ớn với cảnh đó, họ gọi đó là “tệ đoan” của giáo dục, nên chọn cho con sang trường tư thục. Cái hay của trường tư thục là học sinh được làm chủ, thầy cô là người phục vụ vì trường tư cung cấp dịch vụ giáo dục vị lợi nhuận, không nịnh học sinh thì có mà phụ huynh cho “ế”. Một bà đồn, hai bà đồn thì sang năm số lượng hồ sơ nhập học giảm hẳn, nhà trường lấy đâu ra nguồn thu, chỉ có mà đóng cửa. Nhiều trường tư thục ở Hà Nội hay HCM bây giờ tốt lắm, tuyển đầu vào cũng rất khắt khe, rèn học sinh ra bã đấy vì họ đã ổn định lâu năm, có tích lũy tư bản, danh tiếng rồi nên không còn phải nựng học sinh nữa, mà cho vào lò rồi rèn. Thế mới là tốt cho giáo dục nước nhà, là sự may mắn cho bọn trẻ chứ nhỉ. Các trường như Đoàn Thị Điểm, Newton Grammar, Lương Thế Vinh hay Nguyễn Siêu, chả tốt hay sao. Học sinh học đâu ra đấy, đi du học hay vào các trường đại học lớn của Việt Nam như chỗ không người. Có điểm hơi khắc nghiệt chút là học phí khá cao, nên nhiều gia đình không thể đủ tiền cho con học. Số đông dân ta vẫn còn nghèo, cha mẹ đi làm chỉ ba cọc một đồng, tiền đâu mà đóng, mà góp hàng vài trăm đô một tháng được. Lương có khi còn chả được bằng ấy nếu cha mẹ chỉ là công nhân bên Nam Thăng Long, hay lao động phổ thông. Mà số này lại là số đông. Nên thôi các con ơi cứ trường công mà vào. Nên người hay không là do bản thân chúng mày, đi mà tự bươn chải. Thế cũng hay!
Ngẫm tự thân mà ra tôi thấy học sinh bây giờ chịu áp lực kém. Học trường công hay trường tư, ngoài mấy kiến thức, chữ nghĩa thì khả năng chịu áp lực và bươn trải trong môi trường học tập trong 12 năm đầu của con đường học nghiệp chính là một năng lực chiến đấu với đời quý giá mà các gà công nghiệp trường quốc tế (lát tôi phân tích kỹ) không có được đâu! Áp lực học, học thêm, thi cử hôm nay mà các em phải chịu đựng có phần đau khổ, lại chính là những kỹ năng vô hình mà các em có được để khôn lớn và bươn trải trong môi trường học tập và làm việc sau này. Ví như các em có may mắn đi du học, thì sẽ không ngại áp lực học hành bên Mỹ/Anh nơi mà bài vở ngập đầu, đòi hỏi tính tự giác cao độ. Nếu em nào đã được rèn luyện ở môi trường kiểu thuần Việt Nam XHCN, thì sau này chả ngán gì học tập ở môi trường tư bổn, nhất là em nào mà lại trải nốt cả 4 năm đại học công kiểu “Nhất Y-Nhì Dược” nữa thì sang đấy học thành công lắm. Tôi gặp bạn bè thế hệ tôi bên Mỹ, thằng nào cũng toàn học Kim Liên, Đống Đa, AMS, hay chuyên Tổng Hợp, Sư Phạm vvv. Toàn thằng giỏi, có học môi trường quốc tế bao giờ đâu mà vài năm sau toàn thành giáo sư bên Mỹ cả. Đấy học hành phần nhiều do cái ý cái trí, chứ chưa hẳn là chọn được trương nào ngói đỏ hơn trường nào!
Tôi túm lại một câu cho học tập như thế này: ÁP LỰC sinh BẢN LĨNH, BẢN LĨNH sinh NĂNG LỰC, NĂNG LỰC sinh THÍCH NGHI, THÍCH NGHI sinh THÀNH TỰU (tôi học theo triết lý phương đông ta: Hỗn Mang sinh Lương Nghi, Lưỡng Nghi sinh Tứ Tượng, Tứ Tượng sinh Bát Quái).
TRƯỜNG QUỐC TẾ HAY QUỐC NỘI?
Mấy năm gần đây thị trường giáo dục mở cửa theo lộ trình WTO, nên các trường quốc tế vào ta mở cửa ầm ầm. Mà chả cứ gì phải tây vào ta mở, mà chính ta cũng tự mở trường Việt chuẩn Tây, bê nguyên cả giáo trình và phương pháp tây học vào ta. Nhiều gia đình có điều kiện tài chính cho con theo học các trường này rất đông. Nhiều trường chuẩn Anh vào ta cung cấp các chương trình đào tạo như IBDP (International Baccalaureate Diploma Programme) hay tiếng Việt gọi là Chương Trình Tú Tài Quốc Tế hay A-Level (General Certificate of Education (GCE) Advanced Level). Cả hai chương trình này đều ưu việt cả.
Nếu học theo IB, thì điều kiện đầu ra là các em phải đáp ứng được, bên cạnh việc thi đỗ các môn học theo chủ đề, 3 yêu cầu sau đây: (i) Extended Essay (EE-Bài Luận Mở Rộng) dài khoảng 4,000 từ (ii) Theory of Knowledge (TOK) – đây là khóa học quan trọng bậc nhất trong chương trình IB với khoảng 100 tiết học về bản chất và hạn chế của kiến thức, tư duy phê phán (critical thinking), sau đó các em phải viết bài essay dài khoảng 1,600 từ và bài trình bày về một chủ đề tùy chọn (iii) Creativity, Activity, and Service (CAS): đây là dạng văn-thể-mỹ và hoạt động ngoại khóa của chương trình IB.
Còn A-Level thì sao? đây cũng là một chương trình đào tạo cho học sinh từ 16-19 tuổi, và được thừa nhận ở hầu khắp các nước trên thế giới. Chương trình học này cung cấp các môn học rộng và được định dạng dưới các module để các em có thể lựa chọn và tìm hướng chuyên sâu cho mình khi vào đại học. Rất nhiều môn dẫn nhập cho các chuyên ngành như Kinh Tế Học, Quản Trị, Nhân Sự, Tiếp Thị, Khoa Học được đưa vào giảng dậy tại cấp A-Level. A-Level chính là sự kết hợp của lý thuyết và thực tiễn, mang tính hướng nghiệp cao, để lỡ may em nào không có điều kiện theo tiếp lên bậc đại học, thì có A-Level rồi ra đời cũng làm được nhiều việc và kiếm được việc làm để mà sống.
Ngoài, IB và A-Level, thì nhiều trường của Mỹ và Úc cũng vào ta để cung cấp các gói giáo dục vào loại hay. Như trường của Mỹ mang cả chương trình đạo tạo theo đúng chuẩn Mỹ vào ta. Được cái là nền giáo dục bậc PTTH của Mỹ cũng gần gần kiểu ta, học 3 năm rồi apply vào đại học. Khác ta mỗi là không phải thi cử đầu vào ầm ầm. Nói thế thôi chứ sống ở đó mới biết là bọn trẻ cũng căng thẳng lắm, apply trường này trường kia, học SAT vỡ cả thủ rồi học tủ, học gạo, đủ kiểu. Túm lại, chả khác gì mình mấy, có khác là nó học bằng English bản xứ, còn ta thì cố mà học lấy cái English là may rồi.
THẾ HỌC QUỐC TẾ HAY QUỐC NỘI ĐÂY?
Gần đây nhiều gia đình khá giả ở Hà Nội đua nhau cho con vào học trường quốc tế vì lý do là học ở đó con em mình có trải nghiệm mới, và thoát khỏi cảnh khổ đau của cha mẹ ngày xưa hay các bạn cùng trang lứa đang ngày đêm vật vã với thi cử ở các trường quốc nội. Mội độ thi về là các em quốc tế tha hồ mà thong thả còn bọn quốc nội bò ra mà học. Nhưng có thật thế không? Tôi nói thật thế này, học ở đâu rồi cũng phải học cả. Học ở quốc tế có phải cứ tự nhiên nó chui vào đầu đâu, cũng phải học hành nghiêm túc, làm việc khoa học, đọc sách nát ra, nghe giảng thủng màng nhĩ thì mới nên cơm nên cháo. Đâu phải cứ vào trường quốc tế là thoát cảnh học khổ đâu. Có điều hay là môi trường học quốc tế bình đẳng, học sinh được tôn trọng, được làm cái chúng thích, được phát huy hết khả năng sáng tạo, được đánh giá một cách công bằng và theo từng tài năng cá biệt của các em. Ví dụ như ở Mỹ, có thằng học văn học toán dốt mít-đặc, nhưng được cái chơi bóng rổ hay, nên vẫn vào Ivy-League như thường vì bọn Ivy-League này mê thể thao lắm, thấy thằng nào tài là tuyển liền, 4 năm chỉ đi thi đấu, thi thoảng về học văn hóa cho xong còn đâu là football, là volley ball là swimming rồi boat racing…
Còn cái dở của quốc tế là sao? bọn trẻ hoàn toàn bị tách biệt khỏi môi trường giáo dục kiểu Việt Nam, không học được cái “mánh” cạnh tranh rất kiểu Việt Nam, không phải chiến đấu giành giật điểm số, hay nói tóm lại là độ nhạy về xã hội Việt Nam kém hẳn so với đồng lứa của chúng đang học ngoài kia. Điểm yếu này thì có thể không hoàn toàn phổ biến với tất cả bọn trẻ, nhưng từ kinh nghiệm của tôi khi tiếp xúc và dạy những đứa trẻ học quốc tế xin như UNIS, Concordia, St. Paul tại Hà Nội thì thấy đúng là chúng lơ ngơ Việt Nam những lại rất văn minh phương tây. Âu đây cũng một điểm cân não cho các phụ huynh lựa chọn. Nào chúng ta thích con khôn nhà rồi dại chợ hay khôn chợ rồi dại nhà? Tôi nghĩ là ai chả muốn cả hai nhỉ, vừa khôn nhà vừa khôn chợ. Vậy có trường quốc tế nào dạy được cả hai sắc thái này không?
Nói đến chương trình học thì bọn này học theo các hệ A-Level, IGCSE hay IB ở cái xứ Việt Nam này những có thật là học không hay là chỉ học dưới danh nghĩa cái tên. Tôi thấy mấy đứa học những chương trình này ở mấy trường tây nọ kia ở Hà Nội trình độ còn non làm, không hiểu với trình độ thế mà sao vẫn đọc nổi sách A-Level, IB nữa, mà lại vẫn tốt nghiệp như thường. Nếu thế thì phải xem lại hết chất lượng của các IB, A-Level thực sự. Thôi chưa bàn đến chất lượng ở đây, mà hãy nói đến đầu ra của các con. Bọn này sau khi học xong IB hay A-Level thì chỉ có màng sang Anh, sang Mỹ hay Úc mà du học, chứ không đủ điều kiện để thi đại học tại Việt Nam. Tôi cũng hơi ngạc nhiên về tiêu chí này nhưng hình như luật giáo dục của ta không thừa nhận bằng cấp III của tây sang ta (tôi sẽ kiểm chứng lại), nhưng tây thì vẫn thừa nhận bằng của ta sang tây miễn là dịch công chứng cho nó ngon (tiếng Anh cho ra tiếng Anh, chứ đừng giống kiểu dịch luận văn tiến sỹ nào đó) một chút là được, chả ai kiểm chứng mấy khi. Rồi bọn con cái nhà mình mà học trường quốc tế thì các kỹ năng chịu áp lực, cạnh tranh không lành mạnh giảm hẳn, khó sống trong môi trường Việt Nam, rất kiểu Việt Nam. Rồi nữa, học phí thì chua chát so với phần đông dân ta, mỗi năm lên đến cả 2 3 chục ngàn đô la, bằng thu nhập của cả một hộ giao đình khá giả ở Việt Nam, nuôi 3 đứa con ăn học một lúc vẫn còn dư gửi tiết kiệm ngân hàng. Rồi nữa, thế lỡ đang học dở bố mẹ phá sản, hay bị bắt vì thụt két công quỹ thì con học tiếp kiểu gì? có mà ra đường, lúc đấy lại về trường ta học ư? bọn trẻ có chịu được không? có thích nghi được không? tôi e là khó đấy. Rồi nữa, học xong chỉ có mà đi ngoài ra nước mà học, chứ có vào được đại học trong nước đâu. Thế lỡ không xin được học bổng 100% thì tiền đâu mà học? bố mẹ làm CEO này P.TGĐ kia thì mới có tiền cho con học nước ngoài chứ, còn bố mẹ làm công ăn lương tháng 1-2 ngàn đô thì tiền đâu? lúc đó làm thế nào? lại khổ bọn trẻ thôi. Có phải đứa nào cũng được 100% học bổng đâu! phải xuất sắc lắm mới xin được 100% học bổng chứ! Còn nhiều yếu tố cần bàn lắm! Như con cái dở ông dở thằng, tiếng Anh chả nên đọi mà tiếng Việt cũng chả nên cơm cháo, thế là túm lại viết essay bằng tiếng Anh bồi và đơn xin việc bằng tiếng Việt nửa mùa. Ấy là tôi nói thâm xưng chút, mong các mẹ thông cảm!
THẾ THÌ THẾ NÀO ĐÂY?
Tôi lớn lên từ trường làng, lớn thêm chút thì ra trường huyện, chả học hành gì tự nhiên thành tài. Nói thế thì hơi quá, nhưng học kiểu vừa học vừa chơi, rồi cũng vào đại học. Nói thế vẫn hơi quá, vì tôi học như trâu đất mới có ngày nay. Tôi thấy thế này. 95% dân ta vẫn từ mái trường XHCN này mà nên. Như tôi phân tích ở trên, các em rèn luyện các kỹ năng sống, sinh tồn trong môi trường Việt Nam tốt, chịu được áp lực cả về khối liệu (học nặng) lẫn nhân tình thế thái trong nhà trường. Học được các trò nhất quỷ nhì mà, thứ ba học trò, thế mới lắm mưu nhiều kế sau này khi ra trường đi làm. Nếu có đi du học thì học ngang ngửa bọn Mỹ, chả kém đứa nào. Vẫn nói tiếng Anh ngon lành, thậm chí còn giỏi nữa chứ. Mấy anh như G.S Ngô Bảo Châu hay G.S Đàm Thanh Sơn cũng từ mái trường XHCN này mà ra đi đó thôi. Rồi bao nhiều Tiên Sư Giáo Sỹ cũng từ lò nhà mình mà ra, rồi đi tu nghiệp. Tôi vẫn thích kiểu học truyền thống, lớn lên vào được các trường chuyên Tổng Hợp, chuyên Sư Phạm, hay AMS hay CVA hay Lê Hồng Phong (Nam Định) hay nhiều trường tốt khác của Hà Nội, HCM, HP, và các tỉnh khác. Nơi đây vẫn đào tạo được biết bao nhiêu nhân tài cho đất nước.
Nói thì nói vậy chứ quan điểm giáo dục bây giờ đã thay đổi nhiều. Nhờ chính sách xã hội hóa giáo dục, nhiều trường tư thục tốt đã được ra đời trong vòng 20 năm qua. Như tôi đã nói ở trên, các trường tiên phong như Lương Thế Vinh, Nguyễn Siêu, Newton Grammar, Marie Curie cũng chả đang đào tạo cực tốt đó sao, chia sẻ gánh nặng về tuyển sinh cho các trường công. Ở cái nước mình cái gì của công cũng quá tải cả, phần là nó vừa tốt và lại vừa rẻ. Ngon bổ rẻ ai chả thích. Ai chả muốn vào AMS học tốt thế mà lại chả tốn kém gì mấy đồng học phí. Thế khối tư thục loại “xin” kém gì so với AMS, Tổng Hợp, CVA hay CNN. Tôi nói thật là chả kém gì cả, nếu không muốn nói là trong tương lai không xa họ sẽ vượt xa. Vì sao Tôi lại nói thế? Là vì thế này kiến thức ngày nay là phẳng, anh có giáo viên tốt, tôi cũng có giáo viên tốt, anh có cơ sở vật chất tốt, của tôi còn tốt hơn, tóm lại anh có gì tốt, tôi còn có thể làm tốt hơn vì tiền là tiền của tôi, còn anh mỗi khi muốn làm gì lại phải đi xin thành phố cả năm chả được duyệt. Nêu tôi có kém hơn anh thì tôi thua anh về bề dày truyền thống. Anh ra đời tư ngày xửa ngày xừa, thời tôi còn chưa được phôi thai. Nhưng tôi ra đời sau anh, tôi cải cách nhanh và mạnh không bị cản trở nhiều, tôi đưa nhiều chương trình hiện đại vào giảng dạy còn anh thì quanh quẩn với kiểu luyện thi chuyên và giải nọ kia, trong khi đó học hành thực sự thì anh buông thả (tôi nói có phần chủ quan và có thể không đúng với CNN và CVA). Nhưng cái cái hạn chế của các trường tư thục này là chưa phát triển các lơp tài năng cho bọn nhóc vào được các trường đại học thuộc khối The Ivy-League như Harvard, Yale, Princeton, Cornell,… nên danh tiếng chưa thực sự làm phụ huynh nể phục. Chủ yếu 10 năm qua bọn vào đây toàn là dân từ AMS, Tổng Hợp cả. Đấy, các bác tư thục cân nhắc thêm tiêu chí mang tính thị trường này nhé. Chỉ cần làm điểm cho vài đứa được vào The Ivy-League là sẽ nổi ầm ầm ngay, xoay chuyển nhìn nhận của nhân loại về mình.
Còn các em học trường quốc tế thì sao đây, chỉ còn đường đi, không có đường lùi vì lùi vào đâu? về nước à? có làm được việc không? hay lại lơ nga lơ ngơ, va đầu vào đá dẫm chân vào bùn? cha mẹ đầu tư cả triệu đô, chả nhẽ về nước lĩnh lương 5 triệu, mà chỉ có 5 triệu khởi điểm thôi nhé, không phải ông cứ học nước ngoài về là tôi trả ông 5 ngàn đô ngay đâu. Còn lâu. Ông biết gì mà tôi trả ông ngần đấy tiền! Đấy nghịch lý nó là thế. Còn đi thì phải ở lại, mà ở lại đâu? Nước Anh nó không nhận đâu, khó ở lại lắm. Mỹ thì đang thắt chặt lại hệ thống visa làm việc (H), bây giờ phải quay xổ số kia kìa (kiểu lô-tô). Nhiều ông học cả đời ở Mỹ, đến lúc quay trượt lại lang thang khắp nẻo. Khổ như con hổ. Về chuyện này thì đọc thêm bài của tôi trên page này nhé (Đêm Sang Ngày Táo Nói Chuyện Du Sinh hay Du Học Có Phải Con Đường Duy Nhất Để Thành Công?). Nói thì nói vậy chứ cái sự học đâu phải là để quyết định ở hay về. Trên cuộc đời này, ở hay đi, về hay ơ đâu có chỉ phụ thuộc vào cái nền giáo dục 18 năm đầu, mà còn phụ thuộc vào ý chí của mỗi em. Tôi cũng phải chia sẻ là Tôi rất vui được tiếp xúc với các em từ UNIS, Concordia, St.Paul, Alexandre Yesrsin. Tôi chia sẻ thật là những nơi này dạy các em cách hành xử văn minh, một phông văn hóa chuẩn đa dạng, và trình độ học thuật khá tự nhiên, không kiểu gà chọi chuyên chọn. Các em nói tiếng Anh, Pháp như bản ngữ và khi sang nước Mỹ-Anh học thì hòa nhập khá nhanh. Nhưng có điểm hạn chế này là hình như họ dạy toán và khoa học dễ quá hay sao mà bọn trẻ sang bên Mỹ hay Anh cứ vật vã về toán, thua hẳn bọn trẻ từ trường công, trường nòi của Việt Nam mình.
Tôi phân tích như trên để thấy rằng chọn trường nào là trước hết phải ở cha mẹ. Cha mẹ muốn con như thế nào thì hãy chọn cho con môi trường như thế phù hợp với điều kiện tài chính và đưa đón của gia đình. Thời buổi bây giờ trường lớp đa dạng, mọc lên như nấm, ra ngõ là thấy trường, ở đâu cũng thấy trường, ra đường là va vào tường nhà trường rồi nên chọn thoải mái. Có khi lắm quá lại khủng hoảng thừa, chả biết chọn cái nào. Lý tưởng nhất là có một ngôi trường có được mọi thứ ta cần mà lại rẻ và bổ. Nếu thế thì còn gì bằng nữa nhỉ!
Thôi làm gì thì làm học gì thì học cũng tìm một con đường cân bằng nhất để làm sao ăn Khoai Tây mà vẫn không chê Khoai Lang, uống sữa em gái Hà Lan mà vẫn không bị ngộ độc mấy em sữa nội. Học sao để không thành Gà Tây thuần chủng, mà phải thành thứ gà chiến đấu ngang ngửa với bọn Gà Ta, Gà Tầu mà không bị sứt mỏ rách mào. Phải thế thì mới gọi là giáo dục toàn diện, vừa hồng vừa chuyên!
Gọi là mấy lời phàm phu tục tử, góp vào kho tàng học hành để các chị, các mẹ đọc cho vui!