0247.3030.686 | 091.487.3333
ceo@ivyleaguevietnam.edu.vn

24 Th2 2018

Cho con học tiếng Anh từ tuổi nào

/
Posted By
/
Comments0

CHO CON HỌC TIẾNG ANH TỪ TUỔI NÀO?

Còn tuổi nào cho ANH….Tuổi nào ngồi hát mây bay ngang trời….

Link youtube: Cho con học tiếng ANh từ tuổi nào – Câu chuyện hôm nay- Truyền hình Quốc hội
Tôi lắng nghe biết bao tâm sự, chia sẻ, câu hỏi của các phụ huynh về việc chọn thời điểm nào cho con học tiếng Anh và đầu tư như thế nào cho hiệu quả? Những câu hỏi này rất khó trả lời, nhưng Tôi vẫn có gắng có vài quan điểm đóng góp với các phụ huynh cả nước về việc dạy và học tiếng Anh. Mong nhận được sự chia sẻ thêm của các phụ huynh trong hành trình dạy con học hành dài lâu này.

1. Tầm quan trọng của tiếng Anh

Tiếng Anh đã là một phần không thể thiếu được trong hành trang vào đời của mỗi đứa trẻ không chỉ ở Việt Nam. Tôi đồng ý với nhận định vừa rồi rằng tiếng Anh đã trở thành ngôn ngữ chính thức ở gần 60 quốc gia,và là thứ ngôn ngữ có số lượng người nói đông thứ 2 trên thế giới, có lẽ chỉ sau tiếng Trung Quốc đơn giản là bởi vì riêng dân số TQ đã chiếm 1/5 dân số toàn cầu rồi. Theo thống kê gần đây nhất thì có khoàng gần 400 triệu người nói tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ, khoảng 450 triệu sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ chính thức thứ 1 sau tiếng mẹ đẻ, và khoảng 400 triệu nói như 1 ngoại ngữ. Việt Nam sử dụng tiếng Anh như 1 ngoại ngữ. Tuy nhiên điều quan trọng nhất của tiếng Anh không phải là số lượng người nói thứ tiếng này là bao nhiêu người, mà là tầm quan trọng của nó đối với hầu hết các lĩnh vực khoa học. Gần như 100% các công trình khoa học đều được xuất bản bằng tiếng Anh, và sự tiếp cận thế giới văn minh, tiếp cận những nền giáo dục hiện đại nhất như Mỹ, Anh, Úc, Canada, New Zealand đều phải thông qua tiếng Anh. Riêng đối với giáo dục Mỹ, thì sự đòi hỏi mức độ thông thạo tiếng Anh là cao hơn cả.

Các bậc cha mẹ Việt Nam ai cũng muốn con mình được học hành tại những quốc gia ấy, chính vì thế nên gia đình nào cũng muốn đầu tư học tiếng Anh cho con từ sớm, mong rằng con sẽ giỏi, nói tiếng Anh như tiếng Mẹ đẻ, hoặc chí ít thì thông thạo thứ ngôn ngữ này để ngày mai có thể vươn xa hơn trên con đường học tập, hoặc cũng tự tin bước vào đời. Tôi cho rằng mong muốn ấy của hàng triệu PH Việt Nam là chính đáng, rất trân trọng, và cần được cổ vũ và hỗ trợ. Quay trở lại câu chuyện về các trung tâm tiếng Anh mọc lên như nấm sau cơn mưa để phục vụ trẻ em là chủ yếu, không giống như 10 năm trước khi mà chỉ có những người đi làm hoặc các học sinh mong muốn đi du học mới đi luyện tiếng Anh để tăng thêm cơ hội công việc, học bổng, thì nay các trung tâm mọc lên là để phục vụ trẻ em. Có lẽ xuất phát từ chính nhu cầu tự nhiên của xã hội, của nền kinh tế, khi mà có cầu thì sẽ có cung. Điều đáng chú ý là nếu như đối với các hàng hóa khác thì cung và cầu nhiều khi trở nên bão hòa, nhưng riêng với tiếng Anh thì nhu cầu gần như không giảm. Trung tâm thì nhiều lắm, nhưng họ dạy gì, và có thực sự chất lượng và hiệu quả với con trẻ hay không thì quả thực đây là vấn đề đáng bàn.

2. Vì sao các bậc làm cha làm mẹ lại chịu nhiều áp lực, thậm chí loay hoay với bài toán chọn thời điểm nào thích hợp cho trẻ học tiếng Anh như thế?

Không có một thời điểm cụ thể nào để bắt đầu học tiếng Anh và học cho hiệu quả, thực tế việc học sớm hay muộn còn tùy thuộc vào điều kiện của mỗi gia đình. Về lý thuyết thì học một ngôn ngữ càng sớm, càng dễ thẩm thấu và đạt đến độ trôi chảy tự nhiên cao. Nhưng trên thực tế, có những người bắt đầu học tiếng Anh rất muộn mà vẫn đạt đến một trình độ cao, thậm chí trở thành các học giả về ngôn ngữ nổi tiếng của Việt Nam. Lấy các Thầy tôi ở trường Đại Học Sư Phạm Ngoại Ngữ cũ làm ví dụ. Tôi tin rằng các Thầy tôi không ai vừa sinh ra đã được bố mẹ cho đi học tiếng Anh. Những năm 40-50 của thế kỷ trước Việt Nam ăn còn chưa đủ no, lấy đâu ra tiền mà đi học tiếng Anh. Hầu hết các Thầy vào đến cấp III mới học vọc vạch vài chữ nghĩa, rồi thi vào đại học Sư Phạm Ngoại Ngữ, ở đây cũng chỉ được học với nguồn tài liệu rất hạn chế, chia nhau từng trang sách, mách nhau từng từ mới. Ngày đó làm gì có thầy giáo người Anh, cô giáo người Mỹ. Toàn là ta dạy ta cả. Ấy vậy mà các Thầy vẫn cứ giỏi, cứ trở thành những nhà ngôn ngữ tài năng, xây dựng nên cả một thế hệ giáo viên tiếng Anh khắp cả nước, phục vụ kịp thời cho thời kỳ mở cửa hội nhập những năm đầu thập kỷ 90 của TK trước.

Nhưng đó là thời kỳ xa xưa, khi mà con người ta còn biết nằm gai nếm mật, học theo trường phái sôi kinh nấu sử học là thuộc, và thuộc là nhớ mãi, học kỹ, học nhuyễn, học đến nơi, đến chốn. Tôi rất mừng về bọn trẻ hôm nay được tiếp cận tiếng Anh từ sớm từ TV, internet, sách báo rất nhiều, nguồn học liệu quả thực là phong phú, không thiếu sách, không thiếu thầy, nhưng ngược lại các em lại thiếu một thứ đó là ”Chịu Học”. Bọn nhỏ bây giờ được dạy bài bản từ bé. Ví dụ, 3 4 tuổi đã được học phonics, nhưng lớn lên đọc vẫn sai, phát âm vẫn ”nhà quê”, thế là sao nhỉ? Tôi dạy hàng 100 em học sinh từ lớp 6 tới lớp 12, hỏi ra thì em nào cũng học tiếng Anh từ 5 tuổi cả, nhưng sao học đến 10 năm rồi mà đến khi vào học với Tôi vẫn viết không nổi một câu thật sự chuẩn mực? Không biết phân biệt thế nào là câu đơn, thế nào là câu phức, thế nào là câu ghép, thế nào là câu ghép-phức, thế nào là mệnh đề, thế nào là cụm từ, thế nào là mệnh đề chính, thế nào là mệnh đề phụ. Đấy! Tình trạng học tiếng Anh tràn lan, không biết con em mình học đến đâu, học được gì, mà chỉ cần thấy con em mình đi học ở trung tâm về nhà hát véo von thế là cha mẹ yên tâm, và nghĩ rằng đồng tiền mình bỏ ra đúng chỗ. Có phải thế không?

3. Liệu 2-3 tuổi có phải là độ tuổi thích hợp để trẻ học tiếng Anh hay không vì hiện nay có rất nhiều ông bố bà mẹ cho trẻ học tiếng Anh ở lứa tuổi này?

Như tôi đã nói ở trên, về lý thuyết, thì học một sinh ngữ càng sớm thì sinh ngữ ấy càng thuần thục, trôi chảy! Một đứa trẻ từ khi nằm trong bụng mẹ đã được nghe những âm thanh chuẩn mực từ các bài hát tiếng Anh cho thiếu nhi mà chính các bà mẹ ở Anh, ở Mỹ cho con nghe. Khi ra đời lúc nằm nôi, các con lại được nghe các bài hát ru bằng tiếng Anh (lullaby songs). Đến khi bé lên 2 3 tuổi được học những từ ABC về tiếng Anh và bi bô nói những âm đầu tiên. Thật tuyệt vời khi lúc 5 6 tuổi, các con đã nói tiếng Anh thành thạo. Ngày nay rất nhiều em như thế, dù chưa hề đi học bất cứ một trường quốc tế nào.

Với nền tảng 6 năm đầu tiên, nếu tính từ lớp 1, các con đã được học 1 cách nghiêm túc và đã có khả năng tự đọc được truyện, tự xem phim và nghe hiểu không rào cản, thì đến cấp II, các em sẽ không gặp nhiều khó khăn để bước vào học tiếng Anh như một Ngôn Ngữ, nghĩa là học tư duy thông qua các môn như Đọc-Viết-Nghe Hiểu-Trình Bày. Rèn luyện những môn hàn lâm này rất công phu, nhiều khi là mệt mỏi vì đây không còn là giai đoạn ngôn ngữ tự nhiên nữa. Hãy tưởng tượng như 1 đứa trẻ học nói tiếng Việt, và nói tiếng Việt thành thạo lúc lên 4 5 tuổi, nhưng đến khi phải học các môn học bằng tiếng Việt, phải học viết văn, thì thật sự khó khăn với các em hơn là lúc các em tiếp xúc ngôn ngữ tự nhiên. Tiếng Anh cũng thế, muốn đạt mức độ thành thạo thì trẻ lớn phải học Đọc-Viết thực sự hàn lâm, đọc các chủ đề khoa học và đời sống, rồi trả lời những câu hỏi lắt léo. Viết là thể hiện tư duy sâu lắng, đánh giá vấn đề và giải quyết vấn đề. Viết là sự chắp nối của ngôn ngữ vật thể (đó là từng ký tự ABC) tạo nên các từ và câu, để thể hiện một chiều sâu suy nghĩ nào đó. Viết là khó! Trẻ lớn lên không thể thiếu được kỹ năng này.
Thời kỳ cha ông mình học tiếng Anh theo kiểu hiếm muộn, thiếu thốn, khổ sở mà vẫn giỏi đã qua rồi. Có lẻ bọn trẻ bây giờ không phải lặp lại thời kỳ ấy nữa. Nhưng có một thứ mà bọn trẻ cần học hỏi từ cha ông: đó là sự nhẫn nại, quyết tâm, học sôi kinh nấu sử (nghĩa là học thì phải nhớ, phải thuộc), học đến đâu chắc đến đó, không ngại khó, ngại khổ.

Do đó Tôi vẫn ủng hộ việc các cha mẹ cho con tiếp xúc ngôn ngữ từ sớm.

4. Một bộ phận phụ huynh khác cho rằng, sẽ lãng phí về kinh tế, trẻ quên mất ngôn ngữ mẹ đẻ của mình nếu cho trẻ học tiếng Anh quá sớm?

Tiếng Mẹ đẻ mãi là tiếng Mẹ đẻ, không bao giờ quên được. Một đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở Mỹ (như cháu tôi) mà còn không quên tiếng Mẹ đẻ. Nói với nó tiếng Việt nó vẫn hiểu, chỉ có điều nó không nói lại bằng tiếng Việt mà thôi. Học tiếng Anh ở trình độ cao còn bổ sung cho tiếng Việt rất nhiều, nhất là văn viết. Ví dụ, bạn sẽ không sử dụng một mệnh đề trạng ngữ làm chủ ngữ của câu nữa, nếu bạn đã học tiếng Anh nghiêm túc và hiểu về cấu trúc câu. Trong tiếng Việt, hiện tượng này phổ biến lắm. Nhưng tôi cũng nói thêm điều này. Việc những đứa trẻ con nhà gia đình có điều kiện đi học các trường quốc tế ”xịn” từ bé thì ngại nói tiếng Việt là có thật. Các cháu học trường quốc tế đến học tôi rất nhiều, và tôi phải giảng bài bằng tiếng Anh hoàn toàn vì các em không nắm được các khái niệm lịch sử, văn hóa, chính trị bằng tiếng Việt. Ví dụ, trong lớp học đọc SAT, nếu tôi giảng bằng tiếng Việt, thì các em học các trường chuyên truyền thống như Sư Phạm, AMS, Chu Văn An, Tổng Hợp, Đoàn Thị Điểm, Kim Liên, Giảng Võ… hiểu rất tốt các khái niệm như Chiếm Hữu Nô Lệ (enslavement), Chính Quyền Liên Bang (federal government), Quyền Phổ Thông Đầu Phiếu (universal suffrage), … nhưng các em trường quốc tế thì không hiểu được bằng tiếng Việt, đơn giản là vì hàng ngày trên lớp các em được giảng bằng tiếng Anh. Như vậy vốn liếng tiếng Việt của các em học tại Việt Nam nhưng học chương trình hoàn toàn bằng tiếng Anh sẽ hạn hẹp hơn rất nhiều, nếu các em không được cập nhật hàng ngày qua báo chí và TV. Các em sẽ sống trong nước Việt Nam nhưng lại không hiểu Việt Nam sâu sắc vì tiếp cận ngôn ngữ Việt bậc cao bị hạn chế ít nhiều.

5. Có phụ huynh hỏi Tôi là Thầy đã học tiếng Anh như thế nào?

Tôi ấy à? Con đường dài và ly kỳ lắm. Tôi mù tịt tiếng Anh mãi tới năm cuối cấp 3. Bạn Tôi rủ đi học thêm bằng A streamline để xin đi làm lễ tân khách sạn, mong cuộc sống sẽ tốt hơn. Tôi ra trung tâm gần nhà học và tự nhiên nhận thấy đây chính là niềm đam mê của mình. Cứ thế, tôi học đêm học ngày, và chỉ sau một mua hè 3 tháng, tôi đọc hết cả 4 cuốn streamline ABCD. Học thuộc hết từ mới, từ cũ. Nghe hết tất cả các băng cassette mà bố tôi mua ở trường SPNN cũ cho tôi. Nhớ năm lớp 11, thầy dạy tiếng Anh không cho tôi vào lớp vì đến muốn; thầy bắt tôi phải xin vào lớp bằng tiếng Anh. Bạn tôi viết câu đó vào mẩu giấy và ném ra cửa sổ, ”Mây Ai Cà Mín”, nghĩa là may I come in? Thầy giáo cho vào ngay. Sau đó Tôi thi đỗ vào trường Sư Phạm Ngoại Ngữ và nỗ lực học hành không biết mệt. Tôi may mắn được Thầy Lê Hùng Tiến, một trong những cây đại thụ ngôn ngữ học của Việt Nam, hướng dẫn luận văn. Tôi làm về dịch so sánh đối chiếu ngôn ngữ văn học Việt-Anh, lấy tác phẩm Như Những Ngọn Gió của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp làm nền dữ liệu để phân tích. Sau khi ra trường, Tôi lại gặp may mắn khi được Thầy Nguyễn Hòa, Trưởng Khoa Tiếng Anh trường ĐHSPNN giữ lại làm giảng viên. Sau đó là những năm tháng tiếp tục rèn luyện không mệt mỏi. Tôi đi Mỹ học theo học bổng chính phủ Mỹ, rồi lại học tiếp Trường Luật, Đại Học Tổng Hợp Boston. Chính những năm tháng va chạm tiếng Anh ở trình độ và cường độ cao đã làm tôi trưởng thành rất nhiều. Khi bạn học tiếng Anh và bám vào một chuyên ngành học cụ thể, bạn sẽ thấy được thêm nhiều điều sâu sắc của ngôn ngữ ấy hơn là chỉ học tiếng Anh đơn thuần là tiếng Anh.

6. Lứa tuổi nào thích hợp nhất để trẻ học tiếng Anh?

Như Tôi đã nói ở trên, học một sinh ngữ càng sớm càng tốt. Nhưng điều này không có nghĩa là học tiếng Anh muộn thì sẽ không tốt, và không giỏi tiếng Anh. Học ở tuổi nào cũng giỏi được cả. Nếu một em học sinh có quyết tâm thì chỉ cần bỏ ra 3 năm học tiếng Anh theo đúng bài bản thì vẫn thì vẫn giỏi và đủ để thi được các chứng chỉ tiếng Anh để du học. Còn học tiếng Anh theo kiểu tràn lan, không biết con mình học gì, cứ vứt đến trung tâm học là yên tâm, cha mẹ không theo sát con, hoặc cha mẹ không có khả năng để theo sát con học gì, thì sẽ là lãng phí. Vì học như thế thì đến 10 năm vẫn như mới bắt đầu mà thôi.

7. Ở lứa tuổi đó thì phương pháp học nào hiệu quả nhất?

Trước hết chúng ta phải đánh giá thế nào là hiệu quả? Hiệu quả về mặt gì? Về chất lượng học hay giá trị thu lại từ khoản đầu tư.
Nếu như quãng thời gian đầu của trẻ tính từ 5 đến 10 tuổi là thời kỳ trẻ tiếp thu ngôn ngữ tự nhiên một cách tốt nhất thì thời kỳ từ 11-15 tuổi lại là lúc trẻ cần thay đổi cách học từ sự tiếp thu tự nhiên (tôi tạm gọi là thời kỳ tích lũy ngôn ngữ ”nguyên thủy” sang kiểu học tiếp thu có tính chất ”máy móc” hơn, đó là phải học các kỹ năng Đọc-Viết hoặc Nghe Hiểu-Trình Bày ở dạng quy chuẩn hơn, đòi hỏi các nguyên tắc ngôn ngữ phức tạp hơn. Thời kỳ tiếp thu ngôn ngữ ”nguyên thủy” chính là nền tảng đề trẻ học cao hơn, sâu hơn về ngôn ngữ. Ví dụ thì nhiều lắm. Tôi dạy các em bé nói tiếng Anh như tiếng bản ngữ ở Hà Nội rất nhiều. Các con hiểu ngôn ngữ rất tự nhiên, nhưng khi đặt bút viết một bài luận thì lủng củng, ý chồng ý, câu chồng câu, không ra đầu ra cuối. Đó là vì các em chưa học ngôn ngữ theo trật tự máy móc của nó. Sự máy móc này là do chính con người tạo ra, nghiệm ra từ chính sự sắp xếp tự nhiên của ngôn ngữ. Ví dụ, ngữ pháp tiếng Anh cũng chỉ mới hình thành và hoàn thiện hơn cho tới những thập niên 70 của thế kỷ trước. Trước đó, thời kỳ của tiếng Anh cận đại, người ta vẫn cứ viết tiếng Anh theo các nguyên tắc chung chưa thành văn mà thôi. Đến thời kỳ thứ 3 tính từ 16-18 tuổi, các em phải học khốc liệt hơn. Lúc này không chỉ là học ngôn ngữ nữa, mà các em sẽ phải thiên về học để luyện thi, đạt thành tích cao để xin học bổng du học. Lúc này không có chuyện để cái đầu tự nhiên và nhớ được ngôn ngữ nữa rồi, mà phải học thực sự. Tiếng Anh muốn giỏi thì phải biết càng nhiều từ vựng càng ít. Muốn biết từ thì bạn phải học chúng, chứ để chúng thấm tự nhiên thì bạn không bao giờ giỏi được cả. Tôi lấy ví dụ: khi đọc một bài SAT, các em sẽ chững lại vì bị cản bởi hàng loạt từ mới, kể cả các em học chuyên ngữ; đó là vì các em gặp phải lượng từ hàn lâm, chuyên biệt; nếu các em cứ bỏ qua chúng, thay vì làm quen với chúng, ghi chép chúng và nhớ mặt nhớ tên chúng (chính là hiểu chúng nghĩa là gì) thì mãi mãi các em sẽ vẫn cứ bị chúng cản bước. Chỉ cần các em dám học từ mới, không lười đánh dấu ghi chép lại từ mới, thì các em sẽ chinh phục được ngôn ngữ này thôi.

8. Thầy nghĩ gì về câu chuyện Singapore, một trong những đất nước được đánh giá phát triển nhờ thay đổi tư duy học tiếng Anh?

Singapore là một ví dụ điển hình về sự phát triển vượt bậc của thế ký 20. Hiện nay Singapore là một trong những nước có thu nhập bình quân đầu người cao trong khu vực ASEAN và trên thế giới (đứng thứ 3 toàn thế giới với GPD bình quân đầu người là $90,151 theo số liệu của IMF và 87,856 theo số liệu của WB, chỉ xếp sau Qatar và Luxembourg). Singapore vốn là thuộc địa của người Anh, sau đó thuộc vùng tạm chiếm của Nhật trong thế chiến thứ 2, rồi lại thuộc về người Anh cho tới năm 1963, rồi lại sáp nhập vào Malaysia, và tới năm 1965 thì Singapore trở thành một quốc gia có chủ quyền độc lập. Singapore xếp hạng thứ 5 về Chỉ Số Phát Triển Con Người (HDI), thứ 3 về thu nhập bình quân đầu người (GDP per capita), và xếp hạng cao về giáo dục và y tế. Câu chuyện về Singapore đáng để học tập. Từ một thuộc địa nhỏ bé, vươn lên thành một cường quốc về thu nhập, giáo dục và y tế. Có ý kiến cho rằng một trong những yếu tố giúp Singapore phát triển chính là việc nước này nói tiếng Anh như một ngôn ngữ chính thức (Singapore không chỉ có mình tiếng Anh, mà có tới 4 ngôn ngữ chính thức đó là: tiếng Anh, tiếng Malay, tiếng Hoa và tiếng Tamil), tuy nhiên theo lời của Thủ Tướng Lý Hiển Long thì có 3 yếu tố giúp Singapore phát triển đó là: quyết tâm trở thành một quốc gia đa sắc tộc, xây dựng một nền văn hóa tự cường và tương hỗ, và duy trì niềm tin giữa Chính phủ và người dân. Tôi không thấy Ngài Lý Hiển Long nhắc đến tiếng Anh là một yếu tố trong các yếu tố đó. Dù sao thì chúng ta cũng phải thừa nhận tiếng Anh có lẽ cũng là một yếu tố giúp Singapore trở thành một trung tâm tài chính-tiền tệ, và là nơi chung chuyển hàng hóa lớn nhất của Khu vực ĐNA. Người Singapore coi việc họ nói tiếng Anh là đương nhiên, nên không còn ai nhận thấy thế mạnh của ngôn ngữ này. Nhưng nhìn từ Việt Nam qua thì chúng ta vẫn cố gắng phấn đấu để bằng được 1 phần của họ, chí ít là ngôn ngữ. Đến khi nào thì ta nói được tiếng Anh như họ? Theo một khảo sát gần đây về chỉ số thành thạo tiếng Anh (English Fluency Index) do công ty EF Education First thực hiện, thì trong khu vực Châu Á, Việt Nam xếp hạng thứ 6 (hạng trung bình-moderate) sau Singapore, Malaysia, Phillipines, Ấn Độ, và Hàn Quốc. Chúng ta được chấm 53.81 điểm so với Singapore là 61.08 điểm, Malaysia là 60.77, Phillipines là 60.33, Ấn Độ là 58.21 và Hàn Quốc là 54.52. Ngay sau chúng ta là Nhật bản với 53.57 điểm. Việt Nam xếp 31/72 nước toàn thế giới. Điểm IELTS bình quân của học sinh tại Hà Nội và HCM là 5/9.0 và TOEFL iBT là 78/120. Rõ ràng là người Việt Nam chúng ta nói tiếng Anh ngày càng giỏi hơn, và có lẽ đó là sự đầu tư tổng lực của toàn xã hội với tiếng Anh, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của từng gia đình, từng phụ huynh và sự nỗi lực của từng em nhỏ.

9. Vì sao ở rất nhiều nước thì việc học một ngôn ngữ thứ 2 khá dễ dàng, trong khi đó ở nước ta để thông thạo tiếng Anh thì rất khó khăn, nhiều đề án phổ cập tiếng Anh nhưng tính đến nay đều thất bại?

Đây quả thực là câu hỏi ở tầm chính sách vĩ mô. Tôi xin mạo muội được góp vài ý thế này.

Thứ nhất, về bản chất tiếng Anh là thứ tiếng phổ cập và dễ học so với rất nhiều ngôn ngữ mà Liên Hợp Quốc chọn làm ngôn ngữ chính thức. Ví dụ, so với tiếng Trung, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Ả Rập, hay tiếng Tây Ban Nha, thì tiếng Anh vẫn dễ học nhất, phổ cập nhất. Tôi không nghĩ ở Việt Nam thông thạo tiếng Anh là rất khó khăn đâu, đặc biệt là các em học sinh thế hệ sau năm 90 và 2000. Các em học tiếng Anh khá giỏi, và thường xuyên đạt điểm cao trong các kỳ thi tiếng Anh quốc tế. Hơn nữa, phải học ở nước ngoài, như Mỹ, Anh mới thấy là trình độ tiếng Anh của học sinh Việt Nam rất khá so với các bạn đến từ Hàn, Nhật, Trung hay các nước khác. EF xếp hạng Việt Nam đứng thứ 6 trong khu vực Châu Á cơ mà.

Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là sự phổ cập tiếng Anh trên toàn quốc. Đa số các em giỏi đều là ở các TP lớn như Hà Nội, HCM hay Đà Nẵng, còn một lượng lớn các em học sinh ở các tỉnh xa xôi thì sao? Các em làm sao có điều kiện đi học tiếng Anh hàng ngày như học sinh Hà Nội hay HCM. Vừa là do không có điều kiện về trường lớp, vừa là do không có điều kiện về kinh tế. Vậy các em chỉ còn biết trông chờ vào những tiết học tiếng Anh trên lớp mà thôi. Tôi cũng phải nói thật là trong những năm vừa qua Chính phủ Việt Nam đã có những đề án phổ cập tiếng Anh vào các trường học từ tiểu học tới đại học của Việt Nam. Cụ thể là Chính phủ có Đề Án 2008-2020 với kinh phí lên tới hơn 9000 tỷ đồng. Quả là một số tiền quá lớn mà Chính phủ đầu tư cho tiếng Anh. Đây là cũng là sự quyết tâm rất lớn của Chính phủ trong việc phổ cập tiếng Anh. Nếu chúng ta kết luận ngay là các Đề Án ấy thất bại thì cõ lẽ chưa toàn diện. Tôi biết dù còn nhiều điểm cần khắc phục như giáo trình, giáo viên, thời lượng, nhưng cứ có quyết tâm thì rồi cũng thành công thôi, chỉ là đến bao giờ thành công được thì chưa ai rõ. Tôi cũng xin lưu ý thêm điểm này là để cả một dân tộc nói tiếng Anh ở mức khá thành thạo thì chỉ có quyết tâm chính trị và tài chính thôi chưa đủ, mà chúng ta phải có đội ngũ giáo viên chuẩn (dù thế nào là chuẩn thì còn nhiều tranh cãi), và điều quan trọng nhất là từng người giáo viên ấy phải truyền được cảm hứng học tập cho từng em nhỏ ở từng góc xa xôi kia của đất nước. Ngày nay internet đã phổ cập rồi. Đây chính là nguồn học liệu vô cùng quý giá để các giáo viên tự nâng cao trình độ của mình, và khuyến khích các học sinh tự lên mạng, nghe tiếng Anh và đọc tiếng Anh. Việt Nam chúng ta phát động các phong trào rất giỏi, vậy tại sao chúng ta không phát động một phong trào học tiếng Anh trên cả nước nhỉ? Để mọi em nhỏ ở khắp nơi có ý thức học tiếng Anh và chỉ cần các cô giáo hướng dẫn là các em tự học được rồi. Tiếng Anh là ngôn ngữ dễ tự học nhất đấy! Nếu cho tôi được chi tiêu 9000 tỷ kia, tôi sẽ dành một phần lớn để xây dựng các trung tâm học liệu nhỏ ở từng góc của đất nước. Không tốn kém lắm đâu, chỉ là một vài cái máy tính, máy in, bộ loa, có nối mạng internet và 1 2 giáo viên hướng dẫn đặt tại mỗi trường học. Các cô giáo bộ môn tiếng Anh sẽ là người hướng dẫn các em, cổ vũ các em, và cứ như thế chúng ta sẽ làm được. Ước mơ chỉ là ước mơ!

10. Nhu cầu học tiếng Anh đang là một nhu cầu lớn của xã hội, khi mà hệ thống công lập đã không thành công trong việc dạy và học tiếng Anh thì việc các trung tâm tiếng Anh tư nhân mọc lên như nấm là điều cần thiết, tuy nhiên, chính những trung tâm này cũng không được kiểm định về chất lượng, điều này ảnh hưởng như thế nào đến chất lượng tiếng Anh của thế hệ trẻ?

Tôi thấy có những dấu hiệu đáng mừng là mấy năm gần đây các cơ sở học tiếng Anh mọc lên nhiều, trong đó có nhiều cơ sở có uy tín, làm việc nghiêm túc, từ việc tuyển chọn giáo viên tới việc giám sát con em chúng ta học hành. Tôi tin là từng phụ huynh sẽ là những người đánh giá và kiểm định chất lượng tốt nhất đối với những trung tâm tiếng Anh. Nếu như con em mình học vài khóa học mà không thấy tiến bộ thì chúng ta cũng nên xem lại hai thứ: thứ nhất là con mình có chăm học không và có khả năng học ngoại ngữ hay không. Thứ hai là thầy cô nào là người dạy con mình và người đó trình độ học hành ra sao. Các phụ huynh cũng cân nhắc thêm vấn đề thực tế hiện nay là bất kỳ ai cũng có thế thành thầy giáo tiếng Anh cả. Có người không có bất kỳ một ngày nào được đào tạo chính quy về tiếng Anh cũng mở lớp dạy tiếng Anh, phát âm, ký âm sai hết cả thành ra thiệt thòi cho trẻ. Đáng mừng là những năm gần đây lượng người nước ngoài từ các nước nói tiếng Anh đến Việt Nam khá đông, nên các em nhỏ có cơ hội được tiếp xúc với các thầy cô bản ngữ từ sớm. Đó cũng là cái lợi của các em. Tuy nhiên, các phụ huynh cũng cân nhắc thêm yếu tố là quá trình học tiếng Anh không chỉ đơn thuần là ngôn ngữ, mà còn là hình thành tư duy, nên nếu thầy cô không tốt sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới con em mình. Thử hỏi có bao nhiều thầy cô giáo tiếng Anh là người thực sự hiểu biết về thứ ngôn ngữ mình đang dạy và tự tin để dạy thứ ngôn ngữ ấy? Còn kiến thức hiểu biết của người làm thầy về nhiều lĩnh vực cuộc sống nữa; hay các vấn đề khác như con mình đến trung tâm được học hay được chơi. Trẻ thì thường thích chơi và cảm thấy vui vẻ, còn nếu phải học thật thì lại sợ và ngại ngay, về nhà sẽ nói với bố mẹ là không thích đến chỗ đấy nữa. Thực sự ranh giới giữa học và chơi rất mong manh. Có thể có những nơi thiên về chiều lòng trẻ và phụ huynh hơn là dạy thật để giữ các ông hoàng tí hon. Đây là những vấn đề mà các phụ huynh nên quan tâm và cân nhắc khi tìm nơi học tiếng Anh cho con em mình.

11. Lời khuyên của anh dành cho các bậc phụ huynh đang rất vất vả với quyết định chọn thời điểm nào học tiếng Anh thích hợp cho trẻ?

Tôi vẫn khuyên các phụ huynh cho con được tiếp xúc ngôn ngữ sớm. Phương tiện tiếp xúc ngôn ngữ tốt nhất và thường xuyên nhất vẫn là ở nhà. Các phụ huynh cho con xem và nghe các bài hát tiếng Anh từ bé. Trẻ từ 6-9 tháng tuổi là dỏng tai nghe nhạc tiếng Anh rồi. Các con tôi cũng nghe từ bé và đứa lớn bây giờ nói tiếng Anh như bọn Mỹ con rồi, còn thằng bé thì vẫn dỏng tai nghe và đòi xem tiếng Anh hàng ngày mới chịu ngủ. Các phụ huynh có thể mua các phần mềm cho con học phonics rất rẻ cho con học. Chỉ cần chúng ta thường xuyên ngồi bên con, học cùng con, thì con sẽ thấy có động lực để học, con sẽ dần yêu thích. Khi con 6 7 tuổi lúc đó con đã có khái niệm về âm tiếng Anh và tự nói được những câu đơn giản, các mẹ có thể tăng cường thêm cho các con bằng các phần mềm từ học được. Những cuốn sách nói chính là những người thầy tận tụy nhất bên bọn trẻ. Cái khó bây giờ là thời gian, công sức, và tiền bạc đầu tư cho con. Nhiều cha mẹ sẵn sàng làm ”nộ bộc” đưa đón con mấy buổi một tuần đi học tiếng Anh, còn nhiều PH lại quá bận không làm được điều này. Nhiều PH có điều kiện kinh tế, còn nhiều PH lại không có. Nên tôi vẫn khuyên các PH dạy con tự học, cho con tiếp xúc qua nhiều phương tiện tại nhà. Tìm những cách tiết kiệm nhất để cho con học. Tiếng Anh học không khó chỉ có điều chúng ta tạo cảm hứng cho con thế nào thôi. Khi trẻ lớn khoảng lớp 6 thì hãy bắt đầu cho học có thiên hướng tư duy hàn lâm qua các kỹ năng đọc-viết để dạy trẻ nghĩ, trẻ viết. Một yếu tố nữa là chi phí học tiếng Anh hiện nay không rẻ. Có nhiều phụ huynh chia sẻ với tôi rằng họ đành hy sinh cho con học trường công để lấy tiền cho con đi học thêm tiếng Anh. Tôi biết là đầu tư cho một đứa trẻ đi học tiếng Anh có khi chiếm tới 1/5 thu nhập, nhất là nhà có 2 hay 3 đứa thì quả là nhức đầu. Tôi cũng hiểu điều này và vẫn thường xuyên tìm các chương trình học online miễn phí và chia sẻ với các phụ huynh. Để giúp các phụ huynh có thể tự cùng con học tại nhà, Tôi sẽ có một chương trình đào tạo cho các phụ huynh cùng học với con tại The Ivy-League Vietnam với hy vọng các bạn sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian và công sức cho việc học tiếng Anh của các con.

Trân trọng,
Giang Nguyễn

Leave a Reply