0247.3030.686 | 091.487.3333
ceo@ivyleaguevietnam.edu.vn

12 Th9 2018

TẮM TIẾNG ANH CHO TRẺ NGAY TỪ TRONG BỤNG MẸ

/
Posted By
/
Comments0

Ngày nay rất nhiều bậc phụ huynh đã cho con đi học tiếng Anh từ rất sớm với mong muốn con trẻ nổi trội hơn so với các bạn đồng trang lứa, có thể làm chủ tiếng Anh từ nhỏ để phục vụ cho học hành sau này, đồng thời định hướng con trẻ tham gia các cuộc thi tiếng Anh để săn tìm cho con những suất học bổng giá trị.

Có lẽ tất cả chúng ta đều đồng ý rằng : Cho con học tiếng Anh từ sớm là một lựa chọn đúng đắn!

Vậy như nào thì là “SỚM” để cho trẻ học tiếng Anh?

The Ivy – League Vietnam tin rằng “SỚM” để cho trẻ học tiếng Anh một cách hợp lý nhất chính là cho trẻ tiếp cận với tiếng Anh ngay từ khi còn trong bụng mẹ!

Ngay từ khi trong bụng mẹ, thai nhi đã có thể phân tích và giải mã được một số dạng thông tin nào đó trong số âm thanh được truyền vào từ môi trường bên ngoài. Thai nhi đã có thể nhận biết và thích thú giọng nói của mẹ, nghe được âm thanh của bộ phim mẹ đã xem. Năm 2009, một nhóm nghiên cứu đã chỉ ra rằng giọng khóc của trẻ sơ sinh chắc chắn đã được tạo nên từ các thanh âm của tiếng mẹ đẻ mà thai nhi cảm thụ được khi còn nằm trong tử cung.

Tất cả yếu tố trên khiến khoa học phải nghĩ đến một sự thật là não của thai nhi đã có khả năng bắt đầu giải mã ngôn ngữ và ghi nhớ lại một vài yếu tố nào đó của ngôn ngữ.

Mới đây, một nhóm nhà khoa học Phần Lan – Hà Lan đã tiến hành một nghiên cứu theo hướng trên và kết quả đã được đăng tải trên tạp chí khoa học của Viện Hàn lâm khoa học Mỹ. Trong nghiên cứu này, đội ngũ chuyên gia đã nhờ đến 30 cặp vợ chồng đang chờ sinh. Họ gửi đến một nửa trong số đó một đĩa CD dài 8 phút với nội dung là âm thanh của một từ có ba âm tiết (tatata) được phát lặp đi lặp lại vài trăm lần với hai hình thức biến tấu khác nhau. Trong cách một, nguyên âm giữa được thay đổi, từ “tatata” trở thành “tatota”, còn trong cách hai âm “tatata” được giữ nguyên nhưng thay đổi ngữ điệu. Toàn bộ đoạn ghi âm này được ngắt quãng với những đoạn nhạc không lời.

Yêu cầu của thí nghiệm khá đơn giản: Kể từ tuần thứ 29 của thai kỳ, tức là khi hệ thính giác của bào thai bắt đầu hoạt động cho đến lúc sinh, các bà mẹ tương lai sẽ phát cho đứa con trong bụng mình nghe nội dung đĩa CD nói trên trong khoảng 5-7 lần/tuần, tốt nhất là vào cùng một thời điểm nào đó trong ngày. Và trong khoảng thời gian cho thai nhi “nghe nhạc”, các bà mẹ phải giữ im lặng, không được nói chuyện, không được hát…, nói chung là không được phát ra âm thanh riêng của mình.

Trung bình, thai nhi sẽ được nghe tổng cộng hơn 25.000 lần từ “tatata” được phát âm dưới nhiều giai điệu. Sau khi hoàn tất “khóa học” cho con, các bà mẹ chỉ đợi ngày sinh nở. Và ngay trong những ngày đầu tiên sau khi trẻ được sinh ra, các chuyên gia nghiên cứu gắn vào trẻ một hệ thống điện não đồ để kiểm tra phản ứng của não trẻ ra sao với đoạn nhạc “tatata” bí ẩn đó. Kết quả cho thấy nhóm trẻ sơ sinh nào đã được “dạy tatata” từ trong bụng mẹ sẽ nhận biết được âm từ đó, còn nhóm trẻ kia thì không.

(Theo Pháp luật TP HCM/Le Monde)

Kết quả này là bằng chứng thuyết phục giúp phát hiện rằng ngay sau khi sinh, trẻ đã có sẵn trong não những ký ức mà chúng tiếp nhận được từ khi đang còn là bào thai. Nhưng quan trọng hơn, kết quả này đã chứng minh được rằng trẻ em đã bắt đầu “biết” học ngôn ngữ ngay từ trong bụngmẹ. Từ đó, nhóm nghiên cứu đã nhấn mạnh rằng tính chất “dễ thẩm thấu âm thanh” của bộ não thai nhi như một con dao hai lưỡi. Nếu thai nhi phải tiếp xúc với những môi trường âm thanh chát chúa và hỗn tạp, ví dụ nơi làm việc quá ồn ào của thai phụ, các cấu trúc trung ương của hệ thính giác trẻ sơ sinh sẽ phát triển lệch lạc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình cảm thụ và học ngôn ngữ của trẻ sau này.

Nhịp điệu ngôn ngữ là dấu hiệu dễ nhận biết, là công cụ cơ bản để giải mã và phân biệt ngôn ngữ. Tiếng Anh là một điển hình như vậy.

Ví dụ, trong tiếng Anh, loại từ phổ biến nhất là từ ‘common’ hoặc ‘English’, nghĩa là những từ có trọng âm ở âm tiết đầu. Với những trẻ trong khoảng 6 tháng tuổi, thời điểm trước khi có thể nói hoặc hiểu từ, hoặc từ 8 – 9 tháng tuổi, nếu bạn bật đoạn băng có những từ trọng âm ở âm tiết đầu cùng với những từ cũng trong tiếng Anh nhưng có trọng âm ở âm tiết thứ hai, như ‘before’ hay ‘intend’, (những từ bình thường phổ biến nhưng không điển hình trong tiếng Anh), tuy trẻ chưa nhận biết được từ nào nhưng chúng cũng nhận ra được đặc điểm điển hình của ngôn ngữ. Chúng sẵn sàng học những từ có chung đặc điểm ngôn ngữ trên. Nhờ đó, chúng xây dựng vốn từ cho bản thân.

Nếu trẻ nghe một vài từ mới như từ ‘sauna’, chúng không biết ‘sauna’ có nghĩa là gì hoặc có thể gắn kết ý nghĩa với từ này. Nếu cho trẻ nghe một vài câu có từ ‘sauna’, chúng thường thích nghe những câu có những từ chúng vừa nghe và nhớ từ này. Chúng sẽ nhận ra khi gặp lại trong câu khác. Chúng nhận ra không phải dựa vào ngữ nghĩa bởi nghĩa từ trong câu phụ thuộc vào ngữ cảnh.

Người nói không ngừng lại trước mỗi từ phát ra nên không có những từ được phát âm nhẹ hơn trong chuỗi lời nói. Các từ gắn kết với nhau và người nghe phải phân chia chuỗi lời nói để nhận ra từ, phải phát hiện các từ bắt đầu từ đâu vì trong chuỗi lời nói, từ này tiếp nối từ kia. Nếu không nhận ra từ đã biết hoặc từng nghe trong câu, người nghe sẽ phân chia chuỗi lời nói. Đó chính là khả năng của những trẻ sơ sinh trong độ tuổi từ 7 hoặc 8 tháng trở lên.

Như vậy, nhịp điệu ngôn ngữ được nghe thường xuyên nhất khi mới sinh hoặc trước khi sinh có vai trò quan trọng trong suốt cuộc đời, nó tăng thêm ý nghĩa và hiệu quả cho việc học ngôn ngữ của trẻ.

Không bao giờ là quá sớm để cho trẻ tiếp cận với tiếng Anh. Không chỉ giúp trẻ trở nên thông minh hơn, tăng khả năng phát triển và sức mạnh của não bộ, việc cho trẻ tiếp xúc với tiếng Anh ngay từ trong bụng mẹ sẽ giúp trẻ trở nên nhạy bén, sử dụng ngôn ngữ thông thạo và tạo tiền đề cho trẻ phát triển toàn diện sau này!

 

Leave a Reply